2 năm gần đây, xã miền núi Ninh Tây đã xác định được hướng đi chủ lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, trong khi cây mía đang gặp không ít vấn đề thì các loại cây trồng khác rất cần nguồn nước tưới chủ động.
2 năm gần đây, xã miền núi Ninh Tây đã xác định được hướng đi chủ lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, trong khi cây mía đang gặp không ít vấn đề thì các loại cây trồng khác rất cần nguồn nước tưới chủ động.
Vụ mía buồn
Ninh Hòa là thủ phủ của cây mía đường với diện tích khoảng 11.000ha, riêng Ninh Tây chiếm tỷ lệ lớn nhất với diện tích mía niên vụ 2018 gần 4.000ha. Cho đến thời điểm này, gần một nửa số diện tích ấy đã được thu hoạch; năng suất vẫn được duy trì ở mức 50 tấn/ha, chữ đường bình quân ở mức 9,3CCS. Tuy nhiên, nếu như năm trước, giá mua mía 920.000 đồng/tấn, thì năm nay, giá mua mía chỉ còn 800.000 đồng/tấn. Giá mía nguyên liệu áp sát giá thành khiến cho người trồng mía lao đao. Theo cán bộ phụ trách kinh tế UBND xã Ninh Tây, hộ nào có lãi cũng chỉ được khoảng 5 triệu đồng/ha. Còn lại chủ yếu hòa vốn, không ít hộ thu không đủ chi. Khi tính toán kinh tế, rõ ràng 1ha cây trồng trong 1 năm chỉ mang về cho người dân 5 triệu đồng không thể coi là cứu cánh cho bài toán thu nhập.
Dẫu vậy, theo lãnh đạo UBND xã Ninh Tây, khác với các loại cây trồng khác, khi trồng mía, người dân được các nhà máy đường đầu tư vốn ban đầu để chăm sóc, phân bón. Kết thúc niên vụ, tiền bán mía sẽ được cấn trừ khoản đầu tư này nên người dân chỉ cần có đất sản xuất và công lao động là đã có thể trồng mía, phù hợp cho những hộ không dồi dào về vốn sản xuất. Đây lại là hình thức thích hợp cho hầu hết các hộ trồng mía nơi đây vì Ninh Tây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. “Không chỉ được hỗ trợ đầu tư ban đầu, về cơ bản, mía là loại cây trồng có thể sống được chỉ nhờ vào lượng nước mưa. Trong điều kiện còn khó khăn về nước tưới như hiện nay, mía lại là cây trồng thích hợp”, ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết.
Trăn trở nguồn nước tưới nông nghiệp
Ngoài gần 4.000ha mía, diện tích sản xuất nông nghiệp của Ninh Tây chỉ còn lại khoảng 700ha cho cây lúa, mì, bắp… Trong 2 năm gần đây, một số nông dân đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cây trồng.
Theo ông Y Hy - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây, năm 2017, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Thanh Quang - Bí thư Tỉnh ủy, xã đã triển khai 3 lớp tập huấn cho nông dân liên quan đến việc chuyển đổi, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi, mít. Kết quả đã có 4ha bưởi da xanh, 5ha mít nghệ Thái Lan được trồng theo phương thức Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí (khoảng 100 triệu đồng). Đến nay, các loại cây trồng này sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, trên địa bàn xã hiện có một số nông dân chuyển sang trồng bơ với diện tích từ 3 đến 5ha. Sau 2 năm trồng, cây bơ cũng tỏ ra thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nơi đây.
Mới đây, trong buổi làm việc với Đảng ủy xã Ninh Tây, ông Lê Thanh Quang định hướng: “Cùng với cây bơ, cây bưởi, xã cần tập trung chuyển đổi sang trồng cây mít. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn, chịu gió tốt, ưa cao ráo, thích hợp trồng ở Ninh Tây.
Về đầu ra, cây phải được trồng, chăm sóc theo quy trình an toàn, chất lượng, đáp ứng được thị trường cao cấp, nhất là phục vụ khách du lịch đến với Nha Trang - Khánh Hòa”.
Theo kế hoạch chuyển đổi cây trồng của xã Ninh Tây, từ năm 2017 đến 2020, xã sẽ chuyển đổi 40ha đất lúa kém hiệu quả hoặc không chủ động nước sang trồng bắp, rau màu; chuyển 301ha cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trong đó mít, bưởi và bơ là cây chủ lực. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Tuyên, hiện nay, nguồn nước từ hạ du thủy điện EaKrongRou chỉ đáp ứng nước tưới cho khoảng 1.000ha. Dọc 2 bên bờ suối Búng chỉ có khoảng 300ha đất sản xuất nông nghiệp được hưởng thụ nguồn nước tưới. Đây cũng là diện tích mà xã tập trung chuyển đổi cây trồng trong giai đoạn hiện nay. Về lâu dài, việc đầu tư hồ chứa nước sông Búng vẫn là mong mỏi của chính quyền và người dân xã Ninh Tây. “Là một địa phương địa hình có độ dốc lớn, nhanh cạn kiệt nước mỗi khi vào mùa nắng nóng, nên chỉ khi chủ động được nước tưới, mở rộng vùng tưới mới có thể phát triển hơn nữa hoạt động chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn”, ông Lê Xuân Tuyên nói.
H.Đăng