11:05, 24/05/2018

Quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong: Đảm bảo quyền lợi cho người dân

HĐND tỉnh vừa ban hành quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong được quan tâm đặc biệt, bởi liên quan đến việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (viết tắt là Đặc khu Bắc Vân Phong).

HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên vịnh Vân Phong được quan tâm đặc biệt, bởi liên quan đến việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (viết tắt là Đặc khu Bắc Vân Phong).


Quy hoạch này cho phép người dân NTTS tại các địa điểm đã được quy hoạch đến khi Nhà nước thu hồi mặt nước để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, diện tích NTTS trên địa bàn huyện Vạn Ninh đến năm 2025 chỉ còn khoảng 725ha, đến năm 2035 giảm còn khoảng 700ha. Đối tượng nuôi ao đìa chủ lực là tôm thẻ chân trắng và ốc hương; nuôi biển chủ lực là tôm hùm, cá biển, ngọc trai. Người NTTS bằng lồng bè trên vịnh Vân Phong cần lưu ý về các địa điểm nuôi phù hợp. Quy hoạch cũng cho phép tiếp tục nuôi ngọc trai trên vịnh Vân Phong tại các địa điểm đã giao cho doanh nghiệp; xây dựng thêm một số diện tích nuôi theo hình thức treo giá thể trong lồng. Đối với nuôi thả tự nhiên trên đáy và kết hợp với thả rạn nhân tạo, quy hoạch cho phép phát triển quanh khu vực: Hòn Lớn, Hòn Dung, Hòn Mai, Hòn Me, Hòn Vung, Hòn Mao.

 

Nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh Vân Phong.

Nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh Vân Phong.


Ông Đàm Ngọc Quang - Phó Chủ tịch HĐND huyện Vạn Ninh cho biết, trong khi chờ Đặc khu Bắc Vân Phong hình thành và phát triển, để đảm bảo quyền lợi cho người dân phát triển kinh tế, địa phương đề nghị nên bổ sung một số khu vực có khả năng NTTS trên vịnh Vân Phong như: Bãi Búa - Bãi Gạo (diện tích 50ha), khu vực Vũng Sim (diện tích 100ha), khu vực phía nam đảo Cùm Meo (100ha) và phía nam đảo Hòn Vung (100ha).


Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi quy hoạch được thông qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất thời gian cho phép NTTS đối với các vùng nuôi chỉ kéo dài đến năm 2022. Sau thời gian này, nếu Nhà nước thu hồi diện tích mặt nước thì tổ chức, cá nhân phải thu dọn vệ sinh, xử lý môi trường nuôi và hoàn trả mặt nước theo hiện trạng ban đầu mà không được nhận bồi thường hỗ trợ. Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải thích: Quy hoạch NTTS giai đoạn này phải có để người dân triển khai cho phù hợp, sở đã thống nhất với địa phương về các địa điểm quy hoạch phát triển NTTS trên địa bàn. Về thời gian cho phép NTTS tại Vạn Ninh ngắn hơn so với thời gian quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh là để phù hợp với việc phát triển Đặc khu Bắc Vân Phong sau này. Người nuôi cũng cần lưu ý, trước khi tiến hành nuôi phải có cam kết với chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền.


Ông Nguyễn Văn Tại - người nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong bày tỏ: “Trong điều kiện Đặc khu Bắc Vân Phong chưa hình thành, việc tỉnh cho phép NTTS lồng bè trên vịnh Vân Phong là phù hợp với nguyện vọng của người dân. Các khu vực được quy hoạch là phù hợp để phát triển NTTS. Về thời gian nuôi, chúng tôi sẽ chấp hành khi Nhà nước thu hồi mặt nước để thực hiện các dự án xây dựng Đặc khu Bắc Vân Phong. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn khi thu hồi mặt nước, Nhà nước không tiến hành đền bù nhưng xem xét có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân để ổn định đời sống”.


BÍCH LA


 



Theo quy hoạch, vùng nuôi thôn Xuân Tự (xã Vạn Hưng) có diện tích khoảng 120ha, nuôi bằng lồng bè truyền thống, với 2.000 lồng, cần tránh khu bảo vệ sinh thái Rạn Trào. Vùng nuôi lạch Cổ Cò (xã Vạn Thạnh) có diện tích 100 - 120ha, kéo dài từ mũi Đá Sơn đến Bãi Tranh, mật độ cho phép 2.000 lồng, kết hợp nuôi lồng truyền thống và lồng công nghiệp kiểu Na Uy. Vùng nuôi Bãi Nặm - Bãi Sau thuộc thôn Khải Lương (xã Vạn Thạnh) có diện tích khoảng 100ha, cho phép nuôi 1.500 lồng truyền thống và 50 lồng công nghiệp kiểu Na Uy. Vùng nuôi Cửa Lớn phía mũi Cổ Cò có diện tích 50 - 60ha, bố trí khoảng 150 lồng nuôi công nghiệp kiểu Na Uy. Vùng nuôi Nam Hòn Ông có diện tích khoảng 100ha, bố trí khoảng 1.500 lồng nuôi truyền thống. Vùng nuôi Hòn Vung (thị trấn Vạn Giã) có diện tích khoảng 50ha, bố trí khoảng 1.000 lồng nuôi truyền thống.