Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang triển khai kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị nhãn hiệu sau lễ công bố và ra mắt thương hiệu xoài Cam Lâm vào tháng 4-2017.
Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang triển khai kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị nhãn hiệu sau lễ công bố và ra mắt thương hiệu xoài Cam Lâm vào tháng 4-2017.
Vào vụ xoài mới
Huyện Cam Lâm đang bước vào vụ xoài mới. Trên đường vào thôn Tân Hải (xã Cam Hải Tây), nhiều nông dân đang tập trung xịt thuốc cho cây xoài. Ông Nguyễn Văn Ngọc - nông dân trồng xoài cho biết, tuy xoài ra bông nhiều song sâu bệnh vẫn chưa dừng lại, người trồng xoài vẫn còn chật vật với dịch sương muối, bọ trĩ - tác nhân giảm năng suất. Điều đáng mừng là nhiều người trồng xoài đã biết sử dụng các chế phẩm sinh học để phun cho xoài. “Gia đình tôi là một trong những hộ trồng xoài tại thôn Tân Hải tham gia hội những người trồng xoài. Nhờ được tuyên truyền, vận động nên từ lâu gia đình không còn phun xịt các loại thuốc hóa học mà chỉ sử dụng thuốc sinh học”, ông Ngọc nói.
Theo lãnh đạo Hội Những người trồng xoài Cam Lâm, đến nay, hội đã vận động được 57 người trồng xoài vào hội, rải rác khắp 14 xã, thị trấn, trong đó xã Cam Hải Tây - vùng xoài trọng điểm của huyện có 25 người. Hội được cấp con dấu riêng để thực hiện công tác giao dịch, phát triển thương hiệu. Ông Diệp Thế Thanh - Chủ tịch Hội Những người trồng xoài Cam Lâm cho biết, điều quan tâm nhất của hội hiện nay là xúc tiến quảng bá thương hiệu và tiêu thụ xoài cho dân. Hội đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Vạn Hương (trụ sở tại Nha Trang) thu mua xoài của nông dân với sản lượng không hạn chế, giá cao hơn thị trường 15 - 20%. Hiện nay, Vạn Hương đã xuất khẩu xoài đi nhiều nước như: New Zealand, Úc, Nhật, sắp tới là thị trường Mỹ. Đồng thời, hội cũng đã làm việc với nhiều đối tác khác như: Công ty TNHH Chánh Thi (Bến Tre), Công ty TNHH Thành Trung (TP. Hồ Chí Minh) để mở rộng việc bao tiêu sản phẩm xoài.
Nhiều việc phải làm
Thời gian qua, việc dán tem sản phẩm cũng được hội chú ý. Hội triển khai thí điểm dán tem tại 6 hộ trên địa bàn với 3 loại tem được công nhận là xoài Úc, Hòa Lộc và canh nông, mỗi loại 100 tem có mã số riêng cho từng hộ để theo dõi. Hội vận động người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học, phun xịt đúng chu kỳ, bảo đảm chế độ cách ly để thu hái. Hiện nay, các doanh nghiệp đề nghị người trồng xoài có kế hoạch bao trái để đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Được biết, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung cấp thí điểm cho huyện 200 bao bì chuyên bao trái của Nhật để nông dân làm quen với việc bảo quản sản phẩm. Ông Thanh cho biết, khó khăn hiện nay là kinh phí để test hàng của từng nhà vườn trước khi cung cấp cho các doanh nghiệp và công tác vận động, tuyên truyền cho toàn thể hội viên bởi địa bàn rộng, mới chỉ thực hiện được ở một số địa phương có đông hội viên như: Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc…
Theo ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, công bố và ra mắt thương hiệu xoài Cam Lâm mới chỉ là công việc bước đầu. Việc còn lại là bảo vệ, giữ gìn và phát huy thương hiệu xoài.
Sau khi công bố nhãn hiệu, huyện Cam Lâm đã xúc tiến thành lập Ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận xoài Cam Lâm, ban hành quy chế cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận xoài Cam Lâm, đồng thời chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở xoài Cam Lâm với các giống: Hòa Lộc, canh nông, Úc. Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển nhãn hiệu đến năm 2020 nhằm hỗ trợ phát triển nhãn hiệu xoài Cam Lâm. Ban quản lý đang tiến hành lập danh sách các hộ tham gia mô hình quản lý và phát triển nhãn hiệu. “Việc cấp và dán tem phải theo danh sách đăng ký của các hộ, đồng thời các hộ phải thực hiện việc trồng và chăm sóc theo quy trình của dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt”, ông Hảo nói. Được biết, hiện nay, việc in tem gặp khó khăn do chưa có kinh phí, huyện đang kiến nghị các cấp, ngành xem xét.
Liên quan đến vấn đề nước tưới cho vùng xoài đặc sản, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, vừa qua, Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh và thống nhất chuyển đổi Dự án tưới xoài theo phương pháp tưới tiết kiệm nước sang dẫn nước từ hồ thủy lợi trong khu vực, trên cơ sở nâng cấp hệ thống kênh từ 2 hồ Suối Dầu và Cam Ranh, đảm bảo vừa tưới xoài vừa tưới lúa thuộc Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh ảnh hưởng bởi hạn hán. Sở NN-PTNT đang lấy ý kiến các địa phương trong khu vực. Dự kiến dự án sẽ cung cấp nước chủ động với tần suất 85% cho 4.000ha xoài tại 9 xã, thị trấn của huyện Cam Lâm (hồ Suối Dầu 1.000ha, hồ Cam Ranh 3.000ha) và gần 2.000ha lúa, hoa màu.
P. LÂM