Tới đây, 2 hợp tác xã ở Khánh Hòa sẽ được Liên minh hợp tác xã Việt Nam (VCA) "rót" vốn đầu tư nâng cấp sản phẩm. Đây là một trong những hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển nhanh, bền vững theo mô hình chuỗi giá trị.
Tới đây, 2 hợp tác xã (HTX) ở Khánh Hòa sẽ được Liên minh HTX Việt Nam (VCA) “rót” vốn đầu tư nâng cấp sản phẩm. Đây là một trong những hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển nhanh, bền vững theo mô hình chuỗi giá trị.
Hợp tác xã thiếu vốn
HTX Cây ăn quả xã Sơn Bình được thành lập tháng 11-2017. Các thành viên của HTX tập trung xây dựng vùng trồng cây ăn quả an toàn, đạt năng suất, chất lượng cao; cung ứng vật tư nông nghiệp liên quan đến sản xuất cây ăn quả. Sơn Bình là xã chuyên canh cây ăn quả với diện tích thuộc vào diện lớn nhất Khánh Sơn. Thủ phủ trái cây của huyện miền núi này hiện có hơn 500ha cây lâu năm, phần lớn trong số đó là sầu riêng, bưởi da xanh, quýt đường, mít nghệ, măng cụt, chôm chôm… Lãnh đạo HTX Cây ăn quả Sơn Bình cho biết, hầu hết người dân vẫn sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong tiêu thụ sản phẩm dẫn tới giá cả còn bấp bênh. HTX ra đời với mục tiêu biến nơi đây thành vùng chuyên canh cây ăn quả, có sự liên kết trong toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhưng cũng như nhiều HTX khác, nơi đây đang thiếu vốn đầu tư.
Trước đó, vào tháng 7-2017, HTX Nấm Vĩnh Ngọc - Nha Trang cũng đã được hình thành nhằm cùng nhau nâng tầm hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng vốn đã khẳng định được hiệu quả kinh tế tương đối tốt này. Sản xuất theo hướng sạch, có liên kết tiêu thụ, gắn với du lịch là nhiệm vụ đặt ra cho HTX Nấm Vĩnh Ngọc. Nhưng để đầu tư vào hệ thống sản xuất sạch đòi hỏi không ít vốn liếng trong khi tuổi đời còn non trẻ, quy mô còn hạn chế, tự thân HTX Nấm Vĩnh Ngọc cũng như hầu hết các HTX nông nghiệp khác đều phải đối diện với tình trạng thiếu vốn khá trầm trọng.
Hỗ trợ và cho vay vốn ưu đãi
Điều dễ nhận thấy ở HTX Cây ăn quả Sơn Bình và HTX Nấm Vĩnh Ngọc là đều khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư để mở rộng, nâng tầm quy mô sản xuất, kinh doanh. Vì thế, việc hỗ trợ các HTX phát triển gắn với chuỗi giá trị là một quyết định quan trọng của VCA. Đến với các thành viên của mình, tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn để đưa ra chính sách thiết thực, trợ lực cho các HTX phát triển là mục tiêu hỗ trợ xây dựng mô hình HTX phát triển gắn với chuỗi giá trị của VCA.
Tháng 3-2018, đoàn công tác do ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch VCA đã đến tìm hiểu, khảo sát hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 2 HTX nói trên. VCA đã quyết định sẽ hỗ trợ HTX Cây ăn quả Sơn Bình 250 triệu đồng không hoàn lại và HTX tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi (lãi suất 5,13%/năm) của VCA để mua xe ô tô vận chuyển hàng hóa, nông sản phục vụ sản xuất, kinh doanh; xây dựng nhà sơ chế, kho lạnh nhằm bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Hẳn nhiên, HTX Cây ăn quả Sơn Bình sẽ phải đưa ra các phương án sử dụng vốn hiệu quả thông qua dự án của mình. Tương tự, HTX Nấm Vĩnh Ngọc tham gia mô hình chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực là nấm an toàn sẽ được hỗ trợ kinh phí 250 triệu đồng để mua sắm thiết bị sản xuất và chế biến nấm. Đồng thời, được vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà lưới, nhà màng sản xuất nấm (khoảng 2ha). Mức vay tùy thuộc vào dự án được duyệt.
Cùng với sự hỗ trợ về vốn, VCA cũng sẽ hỗ trợ các HTX cách thức để làm quen với những loại hình liên kết, hợp đồng liên kết giữa HTX và hộ thành viên, giữa HTX và các nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học; tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hàng năm và chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh 5 năm, 10 năm; công nghệ bảo quản sau thu hoạch; tư vấn, tập huấn, cung cấp kiến thức quản trị HTX, marketing, xúc tiến thương mại, thị trường… Đây được xem là những hỗ trợ mềm nhằm tăng cường năng lực hoạt động cho các HTX ngày càng phát triển và bền vững hơn.
H.Đăng