Liên kết với doanh nghiệp để chuyển giao giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân là hướng đi mới của huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) khi triển khai thí điểm mô hình trồng măng tây ở xã Diên Sơn, nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Liên kết với doanh nghiệp để chuyển giao giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân là hướng đi mới của huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) khi triển khai thí điểm mô hình trồng măng tây ở xã Diên Sơn, nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Chi phí nhiều, thu lãi cao
Ông Nguyễn Ninh (thôn Tây 4, xã Diên Sơn) hiện có 3.300m2 trồng măng tây theo mô hình thí điểm của huyện. Năm ngoái, ông đi tham quan, học tập mô hình trồng măng tây ở tỉnh Ninh Thuận. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, nhận thấy đây là cây trồng có tiềm năng mang lại thu nhập cao, ổn định, ông đăng ký tham gia mô hình của huyện. “Trồng măng tây chi phí nhiều, tính cả giống, vật tư phân bón khoảng 30 triệu đồng/sào. Nhưng tại các hộ trồng măng tây ở Ninh Thuận mà chúng tôi tham quan đều cho lãi rất cao, khoảng 50 triệu đồng/sào”, ông Ninh nói.
Là hộ có diện tích trồng măng tây lớn nhất của mô hình thí điểm do huyện triển khai, anh Lê Thanh Phi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống bơm tự động gần 50 triệu đồng để giảm công chăm sóc hàng ngày. Hiện nay, hơn 6.000m2 măng tây của anh Phi đang phát triển rất tốt và dự kiến sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên trong khoảng 20 ngày tới. Theo anh Phi, cây măng tây tuy có kén đất (thường trồng trên đất cát) nhưng lại dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Sau khi trồng hơn 7 tháng cho thu hoạch liên tục trong 2 tháng, sau đó nghỉ 1 tháng (để chăm sóc, nuôi dưỡng cây) thì tiếp tục thu hoạch lại và hơn 10 năm mới phải thay gốc trong điều kiện chăm sóc tốt. Do đó, vốn đầu tư ban đầu cao hơn so với các cây trồng như: bắp, lúa, dưa leo… nhưng cây măng tây lại có giá trị kinh tế cao và thời gian cho thu hoạch dài hơn.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Diên Sơn, mô hình thí điểm trồng măng tây do huyện triển khai có 3 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích 1,2ha. Các hộ được Nhà nước hỗ trợ 70% giống (giá khoảng 6.000 đồng/hạt giống). Hiện nay, măng tây của các hộ đang phát triển tốt và sắp cho thu hoạch.
Đã có đầu ra
Ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh: Đây là mô hình trồng thí điểm măng tây đầu tiên do huyện triển khai. Định hướng lâu dài của huyện là sẽ mở rộng ra các vùng khác bởi đã giải quyết được đầu ra cho sản phẩm, trước mắt trong thời gian tới sẽ phát triển thêm diện tích trồng măng tây tại xã Diên Sơn. |
Theo Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện đã tìm hiểu và tổ chức tham quan, học hỏi mô hình trồng măng tây để trồng thí điểm tại xã Diên Sơn. Đồng thời, huyện cũng liên kết với Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận chuyển giao kỹ thuật, giống cây trồng và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ông Nguyễn Văn Tạm - Phó Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận cho biết, trong tuần này, công ty sẽ ra kiểm tra tình hình sản xuất của nông dân và ký kết hợp đồng thu mua. Măng tây là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đang được thị trường ưa chuộng. Nếu chăm sóc tốt, mô hình trồng măng tây có thể cho lãi từ 750 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, thấp nhất không dưới 50 triệu đồng/sào/năm. Qua khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, công ty đánh giá vùng đất Diên Sơn nói riêng và Khánh Hòa nói chung rất thích hợp trồng măng tây, thậm chí tốt hơn ở Ninh Thuận. Hiện nay, thị trường trong nước đang rất thiếu hàng, chỉ mới đáp ứng được 20% nhu cầu, chưa tính đến nhu cầu xuất khẩu. Công ty sẽ thành lập chi nhánh tại Nha Trang để thuận lợi trong việc hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho người dân. Sắp tới, công ty tiếp tục triển khai trồng măng tây cho người dân ở khu vực Suối Dầu, Cam Ranh… Được biết, hiện nay, giá thu mua măng tây là 45.000 đồng/kg, loại 1 có giá 70.000 đồng/kg.
Do đã tìm được đầu ra nên ông Ninh đang lên kế hoạch tiếp tục nhân rộng mô hình trồng măng tây cho diện tích đất còn lại của gia đình, khoảng 1.000m2. Hiện nay, ông đang trồng giống măng tây xanh. Ông dự tính sẽ trồng thêm giống măng tây tím, giá cao hơn 3 lần so với măng tây xanh nhưng lại tận dụng được những cành nhặt bỏ để bán cho công ty ở Đà Lạt thu mua làm trà măng tây. Do đó, nguồn thu còn cao hơn măng tây xanh.
Ông Nguyễn Thế Huy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Sơn cho biết, rất nhiều hộ nông dân trong xã quan tâm và mong muốn trồng măng tây. Do đó, khi mô hình thí điểm này đạt hiệu quả tốt, hội sẽ nhân rộng cho các hội viên mạnh dạn sản xuất.
CÁT ĐAN