05:03, 06/03/2018

Đảm bảo cho phát triển và quản lý

Những năm qua, nuôi trồng thủy sản lồng bè tại các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chủ yếu phát triển tự phát, điều này đã để lại nhiều hệ lụy. 

Những năm qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) lồng bè tại các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chủ yếu phát triển tự phát, điều này đã để lại nhiều hệ lụy. Để định hướng cho người dân, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quy định tạm thời đối với các vùng nuôi lồng bè trên địa bàn tỉnh.


Tạo thuận lợi cho người nuôi


Sau cơn bão số 12, thiệt hại để lại đối với NTTS lồng bè trên địa bàn tỉnh rất lớn. Ngay sau bão, người dân các địa phương đã bắt tay ngay vào việc khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, nuôi ở đâu để phù hợp với quy hoạch là điều rất khó xác định, bởi Quy hoạch NTTS giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2035 vẫn chưa được phê duyệt.

 

Quy định tạm thời về các vùng nuôi trồng thủy sản sẽ tạo điều kiện cho người dân đầu tư sản xuất.

Quy định tạm thời về các vùng nuôi trồng thủy sản sẽ tạo điều kiện cho người dân đầu tư sản xuất.


Ông Trần Hữu Nghĩa - người nuôi tôm hùm lồng tại xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) cho rằng: “Việc NTTS không theo quy hoạch một phần là do sự tự phát của người dân, một phần do quy hoạch NTTS mới chưa được ban hành. Chúng tôi rất khó xác định vùng nuôi nào là phù hợp để đầu tư”.


Thực tế, các vịnh: Cam Ranh, Vạn Ninh, Nha Trang, đầm Nha Phu đã quá tải lồng bè từ nhiều năm nay và để lại nhiều hệ lụy về môi trường, khó kiểm soát về dịch bệnh… Ông Nguyễn Văn Hay - người nuôi cá bớp lồng tại phường Cam Phúc Nam cho hay: “Những năm qua, việc NTTS ở ven vịnh Cam Ranh phát triển ồ ạt, khiến cho vùng nước quá tải, để lại nhiều hệ lụy về môi trường. Các vùng nuôi ở khu vực Bình Ba, Bình Hưng, diện tích, số bè nuôi hạn chế nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chúng tôi mong Nhà nước quy hoạch các vùng nuôi lồng bè ở Cam Ranh với diện tích lớn hơn để người dân đầu tư nuôi ổn định”.


Qua trao đổi với chính quyền các địa phương ven biển, thực tế lâu nay không chỉ người dân mà cả chính quyền cơ sở cũng không biết NTTS lồng bè ở đâu là phù hợp với quy hoạch. Chính vì vậy, việc UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời đối với các vùng NTTS lồng bè trên biển (Quy định này sẽ có hiệu lực cho đến khi Quy hoạch NTTS mới được phê duyệt) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương di dời các bè nuôi, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất theo quy định.


Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Quy định này sẽ giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc quản lý, phát triển NTTS trên các vịnh, đầm. Thị xã Ninh Hòa đang tập trung tuyên truyền để người nuôi nắm bắt được các quy định về khu vực nuôi, kỹ thuật lồng bè để đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc phát triển NTTS trên địa bàn”.


Lồng bè phải chịu được bão cấp 12

 

Dự kiến đến năm 2020, vịnh Nha Trang nuôi 900 lồng cá, 2.900 lồng tôm hùm; vịnh Cam Ranh nuôi 3.000 lồng cá, 21.000 lồng tôm hùm; vịnh Vân Phong nuôi 1.600 lồng cá, 8.000 lồng tôm hùm…

Theo quyết định của UBND tỉnh, tạm thời vịnh Nha Trang có các vùng nuôi gồm: vùng nước Bích Đầm phát triển lồng nuôi truyền thống với diện tích khoảng 6ha (25 - 30 bè nuôi); vùng nước giao giữa Bích Đầm và Đầm Bấy phát triển vùng nuôi công nghiệp (lồng Na Uy) diện tích khoảng 25ha (khoảng 120 lồng nuôi đường kính 20 - 30m); vùng nước Trí Nguyên phát triển lồng nuôi truyền thống, diện tích khoảng 14ha (khoảng 100 bè nuôi). Vịnh Cam Ranh có vùng nước đảo Bình Ba phát triển với diện tích khoảng 180ha, khoảng 8.000 lồng chìm truyền thống và 320 lồng Na Uy; vùng nước Cam Lập, phát triển khoảng 500ha, với 25.000 ô lồng; vùng nước Bình Hưng, giữ nguyên diện tích 30ha, với khoảng 100 ô lồng. Vịnh Vân Phong có 6 địa điểm nuôi thuộc vùng nước xã Vạn Hưng, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), với tổng diện tích khoảng 540ha. Đầm Nha Phu có 2 khu vực nuôi với tổng diện tích khoảng 60ha. Thời gian cho phép nuôi tại khu vực này sẽ kéo dài đến năm 2025; riêng các vùng nuôi ở huyện Vạn Ninh được nuôi đến năm 2022, khi Nhà nước thu hồi các diện tích mặt nước để thực hiện các dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người dân phải thu dọn, vệ sinh môi trường để trả lại diện tích mặt nước và không được nhận bồi thường.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các quy định về vùng nuôi, UBND tỉnh còn quy định về khu vực, thời gian được phép nuôi, về cơ sở vật chất, điều kiện nuôi… Cụ thể, lồng bè phải được đặt trong khu vực có độ mặn ổn định, không bị ảnh hưởng bởi giao thông đường thủy, mực nước tối thiểu khi triều thấp là 4m đối với lồng găm, 6m đối với lồng chìm và 8m đối với lồng nổi. Về thiết kế, lồng bè phải dễ làm vệ sinh, dễ di dời lắp đặt, đặc biệt là phải chịu được bão cấp 12; khuyến khích làm lồng bè bằng vật liệu nhựa HDPE. Cùng với đó, người dân cần chú ý các quy định về con giống, chất lượng nước, thức ăn, phòng trị bệnh cho thủy sản nuôi, việc sử dụng các hóa chất, chế phẩm sinh học trong NTTS; đăng ký cho người làm trên các lồng bè; xử lý rác thải trong quá trình nuôi…


Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản lưu ý: “Để thực hiện nghiêm quy định tạm thời về vùng NTTS lồng bè trên địa bàn tỉnh; cũng như đảm bảo các điều kiện để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi có sự cố xảy ra, ngoài việc đảm bảo nuôi đúng vùng quy hoạch, người dân cần phải đăng ký kê khai ban đầu với chính quyền cơ sở, được UBND cấp xã xác nhận. Trong quá trình nuôi cần ghi chép, lưu trữ thông tin đầy đủ; khi xảy ra sự cố phải kịp thời báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để xử lý…”.

 
BÍCH LA