Sau một mùa thử nghiệm, chiếc máy cắt mía đã chính thức được đưa vào sử dụng kể từ niên vụ mía 2018. Bài toán nhân công chặt mía khiến nhiều người lao đao đã cơ bản được giải quyết.
Sau một mùa thử nghiệm, chiếc máy cắt mía đã chính thức được đưa vào sử dụng kể từ niên vụ mía 2018. Bài toán nhân công chặt mía khiến nhiều người lao đao đã cơ bản được giải quyết.
Ngày 17-3, ruộng mía rộng trên 50ha của gia đình ông Huỳnh Văn Thông ở khu vực suối Mơ, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, 15ha mía của gia đình ông đã có thể dùng máy cắt mía, một dịch vụ do Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH) cung cấp kể từ mùa thu hoạch năm 2018. Theo ông Thông, máy cắt rất nhanh, đều đặn, phía dưới sát gốc, phía ngọn được xay nhuyễn, phủ lại mặt ruộng. Thân mía cũng được cắt ra có độ dài khoảng 20cm. Mía cắt tới đâu vận chuyển thẳng tới nhà máy tới đó, tiết kiệm được thời gian và quan trọng là bảo đảm trọng lượng, chữ đường không bị suy hao.
Cùng với hàng chục hộ nông dân khác đến quan sát quá trình thu hoạch mía bằng máy tại ruộng mía nhà ông Thông, chúng tôi thấy chiếc máy to lớn với nhiều lưỡi cắt đều đặn “nuốt” từng hàng mía. Một chiếc xe chở mía chạy song song với máy cắt mía hứng lấy từng khúc mía đã được cắt chia ra từng phần đều đặn, phía sau máy cắt mía xả ra một lớp đọt mía và phụ phẩm đã được băm nhuyễn. Khi chiếc xe chở mía đã đầy, chạy thẳng về nhà máy, một chiếc xe khác lập tức vào thay thế. Cứ như vậy, chỉ trong 1 ngày, hơn 2ha mía của gia đình ông Thông đã được thu hoạch xong.
Trao đổi với một số người trồng mía đang quan sát máy cắt tại đây, được biết để thu hoạch xong 1ha mía, tương đương khoảng 60 tấn mía, cần khoảng 60 người chặt mía trong 1 ngày. Tất nhiên là không dễ để có thể thuê đủ 60 người chặt mía cùng lúc, vì thế 1ha mía thường mất 2-3 ngày mới thu hoạch xong. Việc mất nhiều thời gian thu hoạch sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cây mía như: giảm trọng lượng, chữ đường. Tính toán chi phí, với ruộng mía có năng suất trung bình 60 tấn/ha, chi phí thu hoạch thủ công 1ha mía sẽ bao gồm: chặt mía, bấm gốc, băm đọt, bốc mía lên xe… là 12 triệu đồng; còn khi làm bằng máy chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng. Quan trọng nhất là khi thu hoạch bằng máy, với tốc độ cao, nông dân sẽ thu hoạch đúng thời vụ, mía từ khi cắt đến khi về nhà máy trong khoảng thời gian ngắn.
Ông Huỳnh Văn Thông cho biết: “Đặc trưng của cây mía là thu hoạch gần như cùng một lượt, khoảng thời gian thu hoạch chỉ trong khoảng 3 tháng. Vì thế, hàng năm cứ vào vụ thu hoạch, các hộ trồng mía luôn phải đối diện với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng. Nhất là ở các hộ có diện tích mía lớn, khoảng 10ha trở lên. Do thiếu nhân công nên thời gian thu hoạch bị kéo dài, mía quá tuổi hoặc thời gian phơi đồng kéo dài khiến cho chữ đường và trọng lượng bị suy giảm. Năm nay, tôi có 15ha mía có thể thu hoạch bằng máy. Theo lộ trình đến năm 2019 sẽ có 40ha trong tổng số 50ha mía của nhà tôi sẽ canh tác hoàn toàn bằng máy từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch”.
Theo ông Nguyễn Minh Thọ - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nông nghiệp (BHS-NH), chiếc máy cắt mía được công ty nhập về từ Mỹ, có trị giá gần 9 tỷ đồng. Trong vụ thu hoạch tới, công ty tiếp tục nhập về 2 máy, nâng tổng số lên 3 máy. Để có thể thu hoạch được bằng máy, nông dân đăng ký, công ty sẽ cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng mía cũng như một số chỉ tiêu cần thiết, chẳng hạn như mía phải được trồng hàng đôi, mỗi hàng cách nhau ít nhất 1,1m, mặt ruộng tương đối bằng phẳng, có độ dốc không quá 5%... Theo tính toán, mía trồng hàng đôi cho năng suất cao hơn so với trồng hàng 1 như thông thường. Khoảng cách giữa các hàng cách nhau đủ lớn không chỉ phù hợp với máy thu hoạch, mà việc đưa máy móc vào làm đất, bón phân, phun thuốc… trong quá trình chăm sóc cũng dễ dàng hơn. “Năm nay, ước có khoảng 300ha vùng nguyên liệu của BHS-NH được thu hoạch bằng máy. Chúng tôi đặt quyết tâm sẽ nâng diện tích thu hoạch bằng máy lên 900ha vào niên vụ tới” - ông Thọ cho biết.
Hy vọng, với việc đưa máy móc vào hoạt động thu hoạch mía, nông dân sẽ bớt vất vả mỗi khi vào vụ thu hoạch; đồng thời từng bước hiện đại hóa, cơ giới hóa ngành sản xuất đặc trưng này.
H.Đ