Sở Công Thương vừa có văn bản trình UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư công nghiệp xây dựng Hà Nội đầu tư Dự án Điện mặt trời trên hồ Tiên Du (thôn Tiên Du, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa).
Sở Công Thương vừa có văn bản trình UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư công nghiệp xây dựng Hà Nội đầu tư Dự án Điện mặt trời trên hồ Tiên Du (thôn Tiên Du, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa). Đây là lần đầu tiên ở Khánh Hòa có dự án làm điện mặt trời trên mặt hồ nên UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng xem xét kỹ mặt tích cực và khó khăn của dự án này.
Ông Phạm Trường Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư công nghiệp xây dựng Hà Nội cho biết, theo dữ liệu từ trang SWERA thuộc Phòng Nghiên cứu về năng lượng tái tạo của Mỹ và Nasa thu thập từ vệ tinh thì khu vực hồ Tiên Du có tiềm năng năng lượng mặt trời tốt, bình quân từ 5,1kWh/m2/ngày, nhiệt độ trung bình hàng năm là 25,20C, độ ẩm trung bình 78,7%, tốc độ gió 5,2m/giây, độ cao 30m so với mực nước biển, địa bàn khu vực bằng phẳng. Dự kiến, công ty sẽ đầu tư dự án điện mặt trời nổi trên mặt hồ Tiên Du với công suất 100MW, sử dụng khoảng 100ha diện tích mặt hồ. Công ty sẽ triển khai lắp đặt các tấm pin mặt trời, hệ thống nghịch lưu trung tâm, hệ thống giá đỡ giàn pin mặt trời, các thiết bị kết nối lưới, hệ thống giám sát, nhà điều hành... Bên cạnh đó, khu vực này phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống điện, không ảnh hưởng đến quy hoạch xây dựng chung của tỉnh; đáp ứng các yêu cầu an ninh quốc phòng; không ảnh hưởng đến các khu dân cư; thuận lợi cho việc kết nối với điện lưới quốc gia.
Được biết, dự kiến tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng, trong đó chủ đầu tư bỏ ra 20% vốn, còn lại là vay ngân hàng. Nếu được phê duyệt sớm, công ty sẽ tiến hành xây dựng vào cuối năm 2017 và đưa vào hoạt động sau 18 tháng. Hiện nay, công ty đang kiến nghị UBND tỉnh miễn, giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; kiến nghị các ngành chức năng miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, việc đầu tư dự án này là cần thiết và phù hợp với mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai, đồng thời góp phần bổ sung thêm nguồn điện trong khu vực. Mặc khác, dự án có vị trí gần các công trình lưới điện 110kV trên địa bàn nên sẽ thuận lợi cho việc thi công đấu nối vào hệ thống điện của dự án. |
Hiện nay, Sở Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan và UBND thị xã Ninh Hòa về dự án này. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, việc đầu tư dự án điện mặt trời trên lòng hồ mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với việc đầu tư trên mặt đất nên việc tận dụng mặt hồ Tiên Du để đầu tư là phương án có thể chấp nhận được. Trong khi đó, Sở Xây dựng cho rằng, nếu cho phép nhà đầu tư lập dự án thì cần khảo sát, tránh ảnh hưởng đến rừng phòng hộ. Khu vực đề xuất đầu tư dự án là tuyến đường hiện trạng do địa phương quản lý nên trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư cần thỏa thuận với chính quyền địa phương để kết nối giao thông dự án, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ kết nối hạ tầng hiện hữu của khu vực.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Chánh Văn phòng UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, việc tận dụng diện tích mặt nước của hồ chứa nước Tiên Du để xây dựng công trình điện mặt trời là giải pháp ít tác động đến nguồn đất sản xuất, không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án. Vì vậy, trong bản báo cáo mới đây, thị xã Ninh Hòa thống nhất đồng ý về chủ trương đầu tư đối với dự án này. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề thuê lại mặt nước của một vị trí đã cho đơn vị khác thuê đất là vấn đề rất mới. Vì vậy, UBND tỉnh đang giao các sở, ngành nghiên cứu các văn bản pháp luật chặt chẽ trước khi triển khai dự án. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá tác động xem khi che phủ diện tích mặt hồ lớn như vậy thì có gây ra rong, tảo ở nguồn nước hay không.
Trong văn bản báo cáo UBND tỉnh mới đây, ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, dự án điện mặt trời trên mặt hồ là loại hình sản xuất năng lượng sạch, không ảnh hưởng đến môi trường. Dự án làm hạn chế bay hơi nước khoảng 30%, hạn chế sinh tảo bẩn trong nước, tăng cường phát triển hệ sinh thái trong lòng hồ. Địa điểm đầu tư không có dân cư sinh sống và không ảnh hưởng đến rừng phòng hộ nên Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực Khánh Hòa.
VĂN KỲ