07:11, 02/11/2017

Doanh nghiệp cần thêm nhiều hỗ trợ pháp lý

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã có những hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thành công, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn cần được hỗ trợ pháp lý nhiều hơn nữa.

 

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã có những hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để thành công, các DN khởi nghiệp vẫn cần được hỗ trợ pháp lý nhiều hơn nữa.


Còn vướng mắc


Mới đây, tại buổi tọa đàm về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh do Sở Tư pháp tổ chức, ông Đinh Quang Minh - Giám đốc Công ty TNHH Máy bán hàng tự động Minh Lâm nêu: Giữa năm 2016, công ty đề xuất thí điểm hệ thống máy bán hàng tự động tại Nha Trang. Văn bản của UBND tỉnh thể hiện chưa đồng ý thí điểm tại các địa điểm công cộng, chờ quy hoạch lại việc sử dụng lòng đường, hè phố; việc lắp đặt máy tại các cơ quan, đơn vị, đề nghị công ty chủ động làm việc để được giải quyết. Vì vậy, công ty đã liên hệ 5 đơn vị để thuê mặt bằng đặt 13 máy bán hàng tự động. Sau khi tạm dừng hoạt động để hoàn tất thủ tục pháp lý theo biên bản của Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường), công ty gửi thông báo bán hàng trở lại kèm các giấy tờ chứng nhận nhưng đại diện đội từ chối nhận. Công ty đã gặp đại diện đội và một số đơn vị thuộc Sở Công Thương nhờ hướng dẫn nhưng chưa được giải đáp thỏa đáng. Sau đó, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Sở Công Thương kiểm tra, báo cáo kết quả trước ngày 20-10. Tính đến nay, công ty đã dừng bán hơn 1 tháng, thiệt hại hơn 140 triệu đồng.

 

Được biết, ngày 30-10, Sở Công Thương đã yêu cầu công ty nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và công ty đã thực hiện xong trong ngày. “Trong giấy hẹn của Sở Công Thương ghi ngày 20-11 sẽ trả lời đơn vị. Chúng tôi rất lo lắng, không rõ hồ sơ đã đầy đủ chưa, còn chờ bao lâu nữa mới được hoạt động trở lại. Bởi tuy dừng bán nhưng công ty vẫn phải duy trì bảo quản sản phẩm trong máy bán hàng (350 sản phẩm/máy), tuy nhiên, nếu thêm 2 tháng nữa, các sản phẩm sẽ hết hạn, công ty phải hủy bỏ, thiệt hại tiếp hơn 45 triệu đồng”, ông Minh nói.


Ông Phạm Quốc Đạt - Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhìn nhận, hiện nay, vẫn còn nhiều văn bản do nhiều cơ quan ban hành cùng điều chỉnh một vấn đề. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sẽ áp dụng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn; nếu ngang bằng giá trị pháp lý thì áp dụng văn bản ban hành sau. Nhưng thực tế, các cơ quan lại có khuynh hướng áp dụng các văn bản cụ thể, đặc biệt của ngành mình, khiến DN gặp khó khi luật đã sửa đổi nhưng nghị định, thông tư hướng dẫn chưa sửa. Ngoài ra, Nghị định số 66 của Chính phủ chỉ quy định DN được gửi công văn hỏi cơ quan cấp bộ khi cơ quan cấp tỉnh đã trả lời mà DN chưa thỏa mãn. Như vậy, khi cơ quan cấp tỉnh không trả lời, DN không thể kiến nghị cấp bộ. Quy định về tổ chức pháp chế đã có hiệu lực từ năm 2011 nhưng đến nay, hầu hết sở, ngành chưa có phòng pháp chế, nhân lực làm công tác pháp chế của DN cũng thiếu hụt, kiêm nhiệm. Nhận thức pháp luật từ phía DN cũng còn hạn chế...

 

Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

 

Cần hỗ trợ nhiều hơn nữa


Năm 2011, UBND tỉnh ban hành quyết định về chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh và triển khai Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh về mức chi công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Nhiều hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN được triển khai như: xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của DN tại địa phương qua trang Công báo điện tử Khánh Hòa, trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; biên soạn nhiều tài liệu giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật mới cho cán bộ pháp chế ngành và báo cáo viên pháp luật của các cơ quan, DN; Sở Tư pháp tiếp nhận các kiến nghị của DN về quy định pháp luật trình tỉnh; lấy ý kiến DN, cá nhân, tổ chức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Khánh Hòa khi xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến DN.

 

Theo thông tin từ Sở Tư pháp, căn cứ công văn số 115 của Bộ Tư pháp, DN khởi nghiệp là DN được tổ chức, hoạt động trong khoảng 2 năm từ thời điểm được thành lập, với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, cung ứng, dịch vụ thuộc 4 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp - thương mại, thông tin truyền thông và xây dựng. Số liệu thống kê của Sở Kế hoạch đầu tư xác định, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 2.664 DN được thành lập.

Hàng năm, VCCI cũng tổ chức hơn 35 hoạt động tập huấn, tọa đàm, đối thoại, hội nghị, hội thảo tại Khánh Hòa, thu hút khoảng 3.000 lượt DN tham dự. Gần đây, VCCI Khánh Hòa tăng cường phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hội nghị đối thoại chuyên ngành, đa ngành, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và lấy ý kiến DN. Đầu tháng 11 này, VCCI Khánh Hòa, Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa - VCCI, Microsoft Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khánh Hòa tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” dành cho khối đại học, cao đẳng trên toàn tỉnh. Cơ quan này đang có chủ trương xúc tiến xây dựng mô hình “Cà phê doanh nhân  -  Không gian khởi nghiệp” tại Khánh Hòa và cùng địa phương đẩy mạnh triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp…

 
Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng Văn phòng đại diện VCCI tại Khánh Hòa, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ căn cơ hơn để phát triển các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm. Các thủ tục hành chính để đăng ký thành lập DN, đăng ký mã số thuế, tiếp cận đất đai, công nghệ cần thông thoáng hơn; cần đơn giản hóa việc thực hiện chế độ kế toán DN, có nhiều chính sách ưu đãi, tháo gỡ để khuyến khích, thúc đẩy hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN.


Ông Phạm Quốc Đạt cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn về hỗ trợ pháp lý cho DN. Bộ Tư pháp cần sớm hướng dẫn chi tiết việc xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật để hỗ trợ pháp lý cho DN; sớm hoàn thiện bộ máy pháp chế; bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh, kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho DN cho cán bộ làm công tác này, cần quán triệt tinh thần đồng hành cùng DN, tạo môi trường thuận lợi, ít rủi ro cho DN; bãi bỏ các thủ tục hành chính gây cản trở, không cần thiết; duy trì đối thoại định kỳ hàng năm. Sở sẽ tập hợp các vướng mắc tại buổi tọa đàm và gửi tới các cơ quan có thẩm quyền đề nghị hỗ trợ giải đáp cho DN.


NGUYỄN VŨ