Cơn bão số 12 đi qua để lại cảnh gãy, đổ khắp cánh rừng căm xe tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa. Lợi dụng các cơ quan chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả cơn bão, không ít người dân địa phương kéo nhau vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Cơn bão số 12 đi qua để lại cảnh gãy, đổ khắp cánh rừng căm xe tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa. Lợi dụng các cơ quan chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả cơn bão, không ít người dân địa phương kéo nhau vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Trong vai những người tìm mua gỗ căm xe về làm cầu thang, chúng tôi tiếp cận Tý, thợ rừng ở thôn Suối Mít (xã Ninh Tây). Tý cho biết: “Sau bão, rừng căm xe gãy đổ la liệt. Thời gian này, do ngành chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả của bão, nên chúng tôi tranh thủ đi lấy gỗ căm xe”. Hỏi chuyện được biết, ban ngày, nhóm của Tý cắt cử người theo dõi hoạt động của Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Ninh Tây (Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa), rồi tìm đến những khu vực lực lượng chức năng chưa đến được để cắt hạ căm xe. Nhóm này chọn những cây có đường kính lớn, có giá bán cao để hạ trước. Dò hỏi về giá cả, cách thức vận chuyển, Tý bảo: “Chúng tôi bán theo từng khúc tròn, loại dài 1,2m, đường kính khoảng 0,3m có giá 1,5 triệu đồng/khúc; loại đường kính 0,2 - 0,25m giá 1 triệu đồng/khúc, loại đường kính nhỏ hơn thì giá thấp hơn. Riêng chuyện vận chuyển không lo, bởi lực lượng chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả của bão”.
Cũng theo đối tượng này, ban đêm là thời điểm hoạt động rầm rộ nhất của các nhóm trộm rừng. Gỗ căm xe sau khi cắt hạ xong sẽ được các đối tượng tập kết ra gần Quốc lộ 26, ngay trong đêm sẽ đưa đi tiêu thụ. Không riêng gì nhóm của Tý, ở Ninh Tây còn có nhiều nhóm thợ rừng khác, tranh thủ sau bão đi khai thác rừng trái phép.
Ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây xác nhận tình trạng trên và cho biết, nếu đơn vị chủ rừng, cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý hiệu quả thì nguy cơ mất rừng căm xe là rất lớn. Theo phản ánh của người dân xã Ninh Tây, hiện nay, nhiều đối tượng đưa cả xe công nông có máy tời vào rừng cắt gỗ ngay giữa ban ngày. Tuy nhiên, ông Đặng Tiến Dũng - Trạm trưởng Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Ninh Tây khẳng định: “Không có chuyện các đối tượng đưa xe công nông vào rừng cắt căm xe. Sau bão, nhiều cây căm xe gãy đổ chắn đường đi, đổ vào rẫy mía của người dân. Vì vậy, trạm đã xin ý kiến của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa cho phép thuê một số nhân công, cắt dọn trước một số cây bị gãy đổ để giải phóng đường. Trong quá trình dọn luôn có cán bộ của trạm theo dõi, toàn bộ số gỗ đều được lập biên bản, đưa về trạm chờ xử lý theo quy định”.
Theo các cán bộ quản lý - bảo vệ rừng ở Ninh Tây, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhân lực để giữ hiện trường rừng căm xe. Khắp các cánh rừng cây gãy đổ ngổn ngang, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhà hư hỏng nặng đã vào rừng lấy gỗ về dựng lại nhà, rất khó xử lý. “Chúng tôi mong muốn UBND xã Ninh Tây, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa hỗ trợ lực lượng để giữ rừng căm xe”, ông Dũng nói.
Đi khắp các cánh rừng căm xe, từ thôn Suối Mít, Buôn Tương, Buôn Đung, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh rừng căm xe tan hoang do bão; có những cây căm xe đường kính 0,2 - 0,3m bị bão xé cả thân. Ông Nguyễn Công Hà - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa cho biết: “Thống kê sơ bộ, ít nhất 10% trong tổng số 420ha rừng căm xe tự nhiên ở Ninh Tây bị thiệt hại nặng. Hiện nay, ban đang tiếp tục kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại của rừng tự nhiên tại đây”. Ngay sau bão, ban quản lý đã chỉ đạo Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Ninh Tây tăng cường lực lượng bảo vệ hiện trường. Sau đó, tiến hành kiểm tra mức độ thiệt hại, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xin phép khai thác, tận thu cho Nhà nước đối với số căm xe tự nhiên bị thiệt hại do bão.
Theo ông Trần Ngọc Dục - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa, sau bão, hạt đã chỉ đạo Trạm Kiểm lâm Ninh Xuân phối hợp với UBND xã Ninh Tây hỗ trợ chủ rừng trong việc ngăn chặn các đối tượng lợi dụng tình hình sau bão để khai thác rừng trái phép. Tuy nhiên, rừng căm xe thiệt hại rất lớn, lại gần nhà dân nên việc bảo vệ rất khó khăn.
BÍCH LA - GIANG ĐÌNH