11:11, 07/11/2017

Cam Ranh: Xếp hàng đợi sửa chữa tàu

Bao đời nay, những làng chài dọc vịnh Cam Ranh chưa từng chứng kiến cảnh bão tàn phá ghê gớm như cơn bão số 12. Bão tan, bây giờ là lúc người dân gượng dậy khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Bao đời nay, những làng chài dọc vịnh Cam Ranh chưa từng chứng kiến cảnh bão tàn phá ghê gớm như cơn bão số 12. Bão tan, bây giờ là lúc người dân gượng dậy khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.


Vớt vát lại tài sản


Giữa trưa 7-11, tại làng chài Lợi Hải thuộc phường Cam Lợi, TP. Cam Ranh, sau một hồi vật lộn, cuối cùng một nhóm thanh niên trong làng cũng khiêng được chiếc máy tàu loại 22CV của gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng lên bờ. Nhìn chiếc máy, anh Tùng nói như muốn khóc: “Gia đình tôi có đến 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào chiếc ghe này, vậy mà trong đợt bão vừa qua đã bị sóng đánh chìm. Vớt được máy tàu là tất cả những gì còn lại. Tôi cũng không biết có sửa được hay không. Tình huống xấu nhất thì bán sắt vụn để gỡ gạc chút đỉnh”.

 

Cách đó chỉ vài mét, mấy người đàn ông cố gắng trải chiếc bạt màu xanh vừa được mua về để đùm quanh chiếc ghe của gia đình ông Nguyễn Tư. “Ghe của ông ấy bị sóng đánh bật lên bờ, thủng lỗ chỗ. Bây giờ phải đùm lại, không cho nước lọt vào khoang rồi đưa ra biển chuyển đến xưởng sửa chữa”, một ngư dân cho biết. Tại đây, đã có đến 4 chiếc ghe được trùm bạt như thế để đưa đi sửa chữa.


Theo chính quyền địa phương, tại phường Cam Lợi có đến 71 chiếc ghe thuyền bị sóng lớn đánh chìm gây hư hỏng nặng hoặc hỏng hoàn toàn. Trong số này có nhiều ghe thuyền chỉ còn là một đống gỗ vụn ngổn ngang, không thể sửa chữa. Do vậy, người dân chỉ có thể vớt vát lại tài sản có giá trị nhất là máy tàu. Nhưng hiện tại nhiều người vẫn chưa thể đưa máy lên bờ.


Ghi nhận tại hiện trường, dọc 3 làng chài: Lợi Hải, Lợi Thủy và Lợi Phú (phường Cam Lợi), hàng chục chiếc ghe bị sóng đánh bật lên bờ. Tại các làng chài dọc tuyến biển thuộc phường Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc, cứ một đoạn chúng tôi lại thấy có một vài ghe thuyền nhỏ bị sóng đánh nát, có chiếc còn bị gãy đôi.


Với những người dân làng chài, giờ đây khi phương tiện sinh nhai duy nhất của họ bị sóng nhấn chìm, hư hỏng, nhiều người đã phải tính đến chuyện chuyển nghề. “Từ chỗ làm chủ ghe, nay tôi chấp nhận đi làm thuê để lấy tiền công mua gạo”, một người dân ở phường Cam Lợi cho biết.

 

Người dân trong xóm chài hỗ trợ anh Tùng trục vớt máy tàu

Người dân trong xóm chài hỗ trợ anh Tùng trục vớt máy tàu

 

Phải xếp hàng đợi sửa chữa


Tại tổ dân phố Lợi Thủy, 2 xưởng đóng tàu đã kín chỗ. Ông Ngô Quang - chủ một xưởng đóng mới, sửa chữa tàu thuyền ở Lợi Thủy cho biết, đã có nhiều người đặt vấn đề sửa chữa ghe nhưng với các đơn hàng đang đóng hoặc sửa chữa trước đó tại xưởng vẫn chưa hoàn thành nên không thể nhận tàu vào sửa thêm được. Với mỗi chiếc ghe loại 22 - 24CV bị sóng đánh bể đáy hoặc hai bên hông thì cũng phải đến hơn 1 tháng mới có thể sửa chữa xong.  


Tại xưởng bên cạnh, chúng tôi chứng kiến một chiếc tàu loại 30CV của ngư dân làng chài Lợi Hải vừa được kéo vào cửa xưởng và phải đợi ít nhất 2 tuần nữa mới có thể đưa lên xưởng để sửa chữa. “Tại xưởng luôn có 10 công nhân liên tục làm việc 12 giờ/ngày mà vẫn chưa hết việc. Nếu nhận thêm những chiếc tàu này, có lẽ chúng tôi phải mất cả năm mới sửa xong cho họ”, một công nhân cho biết.


Ông Trần Đình Dương - Tổ trưởng tổ dân phố Lợi Hải cho biết: “Hiện nay, chúng tôi chỉ biết thống kê thiệt hại và báo cáo cơ quan cấp trên để được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, điều người dân cần là được vay vốn để sửa lại tàu hoặc đóng mới”.


Ông Phan Chí Thanh - Chủ tịch UBND phường Cam Lợi cho biết, ở phường có 74 trường hợp ghe thuyền bị chìm, trong đó có 3 ghe thuyền của địa phương khác. Nhiều ghe cào sò bị chìm, bể, hư hỏng đều là ghe cũ không có đăng ký, đăng kiểm nên sẽ khó khăn trong việc xác định để hỗ trợ. Sắp tới, Phòng Kinh tế sẽ xuống thẩm định lại từng chiếc.


THÀNH LONG

 

 



Lợp lại 183 nhà bị tốc mái cho người dân


Chiều 7-11, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, lực lượng chức năng của thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan đã lợp xong 183 nhà dân bị tốc mái, dựng lại một số căn nhà bị sập, trong đó có 5 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Cam Phước Đông. Ngoài ra, đối với gia đình có nạn nhân thiệt mạng ở phường Cam Phúc Bắc, thành phố đã tiến hành thăm hỏi, hỗ trợ 6 triệu đồng.


Cũng theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, đối với trường hợp tàu thuyền bị chìm hiện nay chưa có hỗ trợ vì cần phải xác minh lại. Trước mắt, TP. Cam Ranh ghi nhận ý kiến của nhân dân về các trường hợp tàu thuyền bị sóng đánh chìm, gây hư hỏng sau đó mới xác minh.


L.G