Hơn 1 năm nay, Tổ hợp tác sản xuất chổi cọng dừa xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) làm ăn rất hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của tổ hợp tác hiện nay là phát triển thêm thành viên mới.
Hơn 1 năm nay, Tổ hợp tác sản xuất chổi cọng dừa xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) làm ăn rất hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của tổ hợp tác hiện nay là phát triển thêm thành viên mới.
Sản phẩm tiêu thụ tốt
Đến các gia đình thành viên trong Tổ hợp tác chổi cọng dừa ở thôn Mỹ Thanh (xã Cam Thịnh Đông), chúng tôi thấy không khí lao động sản xuất khá nhộn nhịp. Mỗi gia đình có khoảng 3 - 4 người đang tất bật với các công đoạn làm chổi. Ông Lê Đông Nhật - thành viên tổ hợp tác cho biết, hiện nay, đầu ra của sản phẩm rất tốt, khách hàng không chỉ ở Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh mà có cả Phan Rang, Gia Lai. Nhiều khi cả gia đình ông phải làm đến 1 - 2 giờ sáng mới đủ hàng giao cho khách. Theo tính toán của ông Nhật, mỗi cây chổi sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 3.000 - 3.500 đồng. Gia đình ông có 3 lao động làm thường xuyên được 150 cây/ngày, thu nhập hơn 500.000 đồng/ngày. Do đơn hàng nhiều nên ông thuê thêm những người trong thôn cùng làm. Do đó, tổng thu nhập của gia đình ông khoảng gần 1 triệu đồng/ngày. “Vào mùa mưa, chổi tiêu thụ rất mạnh, làm không kịp bán. Nghề làm chổi đã trở thành thu nhập chính của gia đình tôi trong mấy năm nay. Nhờ đó, vợ chồng tôi có tiền sửa nhà và nuôi con học đại học tại TP. Hồ Chí Minh”, ông Nhật nói. Cách gia đình ông Nhật không xa, gia đình bà Võ Thị Kim Hà cũng đang khẩn trương làm chổi để kịp giao đơn hàng khá lớn cho một đơn vị bộ đội. Bà Hà chia sẻ, mọi khoản chi tiêu và tiền học của 3 con đều nhờ vào làm chổi.
Bà Châu Thị Lan - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chổi cọng dừa xã Cam Thịnh Đông cho biết, tổ được thành lập từ năm 2013 với 12 thành viên. Ban đầu, tổ được lập ra với mục đích tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương để tạo việc làm cho phụ nữ, người lao động lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, nghề làm chổi cọng dừa đã trở thành nguồn thu nhập chính cho các thành viên, thấp nhất là 4 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều thành viên đã mở rộng sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 60 lao động địa phương. Khi mới thành lập, ngoài 6 triệu đồng được hỗ trợ, các thành viên trong tổ còn được ngân hàng cho vay 8 triệu đồng/người, mỗi người được vay 2 lần để phát triển sản xuất. Nhờ hoạt động sản xuất thuận lợi nên đến nay, các thành viên đã thanh toán xong khoản vay cho ngân hàng.
Khó phát triển thêm thành viên
Theo ông Đặng Văn Thứ - Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông, xã có các tổ hợp tác về sản xuất chổi cọng dừa, làm nhang, sản xuất muối, chăn nuôi dê cừu. Trong đó, Tổ hợp tác sản xuất chổi cọng dừa hoạt động hiệu quả nhất và có những hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, như: liên kết mua nguyên liệu với giá rẻ; cho vay mượn nguyên liệu để việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Hiện nay, nhờ có sự hỗ trợ của các thành viên trong tổ, mối hàng được mở rộng, ai tiêu thụ không hết thì gửi người khác tiêu thụ giúp; đồng thời, khi có đơn hàng lớn thì các thành viên chia nhau cùng làm để kịp giao hàng cho khách.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của tổ hợp tác hiện nay là phát triển thêm thành viên mới nhằm định hướng thành lập hợp tác xã trong tương lai. Ông Lê Hữu Ngạn - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, toàn xã có khoảng 35 hộ làm nghề chổi cọng dừa. Ngoài các thành viên trong tổ, các hộ khác làm ở quy mô rất nhỏ. Hội đã nhiều lần vận động các hộ tham gia tổ hợp tác để phát triển sản xuất nhưng họ chưa đồng ý vì không được hỗ trợ về vốn. Ngoài ra, các thành viên trong tổ hợp tác cũng muốn được vay thêm vốn với mức vay nhiều hơn để dự trữ nguồn nguyên liệu trong mùa mưa. Vì đây là mùa sản phẩm tiêu thụ mạnh nhất trong năm nhưng nguồn nguyên liệu bị hạn chế. “Hội đã tiếp thu nguyện vọng của các hội viên và sẽ kiến nghị cấp trên xem xét, phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội cho các thành viên vay vốn mở rộng sản xuất”, ông Ngạn cho biết.
MAI HOÀNG