Nghề chăn nuôi dê, cừu tại xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) sẽ bị thu hẹp trong tương lai khi các dự án công nghiệp trên địa bàn được triển khai.
Nghề chăn nuôi dê, cừu tại xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) sẽ bị thu hẹp trong tương lai khi các dự án công nghiệp trên địa bàn được triển khai.
Theo ông Lê Hữu Ngạn - Chủ tịch Hội Nông dân xã, Cam Thịnh Đông là vùng đất tiếp giáp tỉnh Ninh Thuận, có nhiều thuận lợi để chăn nuôi dê, cừu nên nghề này phát triển từ lâu với quy mô tổng đàn trên 1.000 con dê và 3.000 con cừu. Năm 2016, hạn hán nặng, không có đồng cỏ chăn dắt, người dân buộc phải bán tháo, ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập. Hiện nay, nhiều nông dân đã chủ động trồng cỏ nuôi cừu, tổng diện tích khoảng 25ha nhưng còn phụ thuộc vào nơi có nguồn nước ổn định.
Ông Đào Văn Cảnh - Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi dê, cừu thôn Hòa Sơn cho biết, năm 2014, xã thành lập Tổ hợp tác nuôi cừu sinh sản với 10 thành viên, tổng đàn gần 400 con, hiện nay là 700 con. Tổ hợp tác được tỉnh hỗ trợ 75 triệu đồng để mua thêm cừu bổ sung tổng đàn. Do hiện tượng giao phối cận huyết nên đàn cừu cũng như đàn dê trên địa bàn ngày càng có biểu hiện thoái hóa giống. Dê, cừu trưởng thành có trọng lượng bé hơn, nuôi kéo dài (chậm xuất chuồng từ 2 đến 3 tháng so với bình thường). Vì vậy, tổ đã bàn cách giúp nhau phục tráng giống dê, cừu bằng cách luân chuyển cừu đực mua từ Ninh Thuận giữa các hộ thành viên trong tổ. Việc làm này đã tạm thời khắc phục được tình trạng thoái hóa giống song vẫn cần Nhà nước có chương trình phục tráng giống bài bản để việc phục tráng đạt hiệu quả.
Được biết, 3 tháng trở lại đây, dê, cừu rớt giá. Giá cừu sinh sản chỉ còn 1,5 - 2 triệu đồng/con (năm 2016 là 2,5 - 3 triệu đồng/con), dê sinh sản 3 - 3,5 triệu đồng/con (năm 2016 là 4 - 5 triệu đồng/con), giá cừu thịt 80.000 đồng/kg hơi (năm 2016 là 90.000 đồng/kg), giá dê thịt 95.000 đồng/kg hơi (năm 2016 là 110.000 đồng/kg).
Tuy có nghề chăn nuôi dê, cừu phát triển ổn định và là thế mạnh nhưng đến nay, xã Cam Thịnh Đông vẫn chưa có quy hoạch, định hướng cụ thể việc chăn nuôi này. Lý giải vấn đề này, ông Lê Hữu Ngạn cho biết do hoạt động chăn nuôi của xã còn manh mún, nhỏ lẻ, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển tự phát nên chưa thuyết phục với định hướng phát triển nông thôn mới.
Ông Bạch Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông cho biết, xã có hơn 200ha đồng cỏ phục vụ việc chăn nuôi dê, cừu tập trung tại 2 cánh đồng là Bà Cỏ và Sân Bay (thôn Hòa Sơn). Tuy nhiên, diện tích chăn thả sẽ bị thu hẹp khi Cam Thịnh Đông phát triển các dự án công nghiệp. Cụ thể, tại khu vực Bà Cỏ quy hoạch phát triển điện mặt trời, diện tích 60ha; tại khu vực Sân Bay quy hoạch phát triển Khu công nghiệp Nam Cam Ranh, diện tích 700ha.
Theo ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, Trung ương, tỉnh, thành phố có chủ trương phát triển công nghiệp, xây dựng Khu công nghiệp Nam Cam Ranh với quy mô lấy đất rất lớn. Cam Thịnh Đông có nhiều diện tích nông nghiệp mà phần lớn là đất bạc màu, sản xuất nông lâm nghiệp kém hiệu quả nên chuyển sang phát triển các dự án công nghiệp là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để các dự án đi vào hoạt động còn cần nhiều thời gian. Vì thế, trước mắt việc chăn nuôi dê, cừu vẫn cần được phát triển để đảm bảo đời sống, thu nhập cho người dân.
V.L