11:08, 28/08/2017

Triển vọng từ giống mía mới

Đề tài "Nghiên cứu tuyển chọn giống mía mới chịu hạn ở tỉnh Khánh Hòa" vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu và xếp loại đạt xuất sắc. Kết quả của đề tài sẽ góp phần thúc đẩy việc nâng cao năng suất và chất lượng tại tất cả các vùng trồng mía của tỉnh.

Đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống mía mới chịu hạn ở tỉnh Khánh Hòa” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu và xếp loại đạt xuất sắc. Kết quả của đề tài sẽ góp phần thúc đẩy việc nâng cao năng suất và chất lượng tại tất cả các vùng trồng mía của tỉnh.


Thạc sĩ Lê Thị Thường - Viện Nghiên cứu Mía đường (TP. Hồ Chí Minh) chủ nhiệm đề tài cho biết, Khánh Hòa là một trong những vùng mía trọng điểm của cả nước với diện tích hơn18.000ha. Trên địa bàn tỉnh có Nhà máy Đường Cam Ranh có công suất thiết kế 11.200 tấn mía/ngày và Nhà máy Đường Ninh Hòa có công suất 5.200 tấn mía/ngày. Tuy nhiên, sản lượng mía trong vụ bình quân chỉ đáp ứng được hơn 56% so với công suất thiết kế của 2 nhà máy, dẫn tới tình trạng 2 nhà máy luôn thiếu hụt mía nguyên liệu. Sản lượng mía thấp là do năng suất mía đạt thấp, ở mức 45 tấn/ha so với năng suất trung bình của cả nước là 63,9 tấn/ha.

 

Chăm sóc mía

Chăm sóc mía


Nguyên nhân là người dân trồng giống mía cũ còn nhiều. Hầu hết mía được trồng trên vùng đất cao, vùng bán sơn địa, đồi dốc lớn, nước canh tác phụ thuộc vào nước trời. 3 địa phương có diện tích trồng mía lớn ở tỉnh là: Cam Lâm, Ninh Hòa và Khánh Vĩnh lại có lượng mưa hàng năm thấp, mùa khô hạn thường kéo dài gần 8 tháng... “Vì vậy, việc tìm ra các giống mía chịu hạn tốt, cho năng suất cao đưa vào sản xuất là yêu cầu bức thiết. Trên cơ sở đó, tỉnh đã đặt hàng cho Viện Nghiên cứu Mía đường tìm ra các giống mía mới”, thạc sĩ Thường nói.


Với kinh phí gần 1 tỷ đồng, từ tháng 6-2014, thạc sĩ Thường và các đồng sự đã khảo nghiệm tại 3 địa phương trồng mía trọng điểm của tỉnh gồm: Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa. Qua 3 bước tuyển chọn khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất và xây dựng mô hình trình diễn giống mía mới, đề tài đã tuyển chọn được 4 giống mía mới triển vọng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với vùng đất khô hạn của tỉnh gồm: Khonkaen 3, KPS01-25, VN09-108 và VN08-99. “Các giống mía này đều chịu hạn tốt, lưu gốc tốt, không hoặc ít đổ ngã, không trổ cờ, hàm lượng đường cao, năng suất đạt từ 70 đến 100 tấn/ha, có chữ đường đạt từ 11 đến hơn 14 CCS”, thạc sĩ Thường nói.


Một lãnh đạo của Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, trong cùng điều kiện khô hạn như nhau, không được tưới bổ sung nhưng mía của đề tài phát triển rất tốt, lóng vươn dài, xanh tốt hơn hẳn các giống canh tác tại địa phương. Thị xã đang đề nghị Viện Nghiên cứu Mía đường đưa ra sản xuất đại trà các giống này trong các vụ tới.


Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá, đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung, mục tiêu cũng như tiến độ đề ra. Kết quả đề tài đạt và vượt so với yêu cầu đặt hàng. Việc khảo nghiệm các giống mía được tiến hành vào thời điểm biến đổi khí hậu trên diện rộng, hạn hán gay gắt, kéo dài và rất khắc nghiệt, nhưng 4 giống mía này có khả năng sinh trưởng mạnh, chịu hạn tốt, có năng suất cao phù hợp với khí hậu đất đai của vùng đất khô hạn tỉnh. “Việc tuyển chọn được các giống mía tốt sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất mía và chế biến đường, đồng thời, ổn định sản lượng mía nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy đường hoạt động và giúp người trồng mía phát triển được kinh tế”, ông Hạnh đánh giá.


Thạc sĩ Lê Thị Thường kiến nghị các công ty đường trên địa bàn tỉnh nên phổ biến và hướng dẫn cho nông dân trồng mía biết các giống mía mới, hướng dẫn quy trình áp dụng, đồng thời có biện pháp nhân giống nhanh để phát triển các giống mía mới vào sản xuất. Hiện nay, chưa có 1 giống mía nào kháng được bệnh trắng lá nên khi sử dụng giống phải lấy từ nơi sạch; việc tuyển chọn giống phải thực hiện thường xuyên và liên tục vì giống mía sau thời gian khai thác sẽ bị thoái hóa.


T.L