Nguồn vốn vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xây dựng công trình vệ sinh và công trình nước đạt tiêu chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn vốn vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xây dựng công trình vệ sinh và công trình nước đạt tiêu chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đưa chúng tôi ra bể chứa đầy nước, ông Cao Quý (đội 3, thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) hồ hởi khoe: “Không có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây được bể chứa 4 khối nước và nhà tắm, nhà vệ sinh đầy đủ như nhà tôi đâu. NHCSXH cho vay 8 triệu đồng, tôi bỏ thêm 2 triệu đồng nữa mới đủ làm. Trước đây, chúng tôi phải gánh nước suối cách nhà mấy trăm mét về dùng nhưng bây giờ có bể chứa, đi rẫy về lúc nào cũng có sẵn nước sinh hoạt thuận tiện”. Ngoài dẫn nước tự chảy từ đường ống chính vào nhà, ông Cao Quý còn làm thêm đường ống lớn để dẫn nước mưa từ mái nhà nên cả nhà không lo thiếu nước sinh hoạt.
Gia đình ông Hứa Văn Coóng (đội 4, thôn Hòn Dù) được vay vốn từ nhiều chương trình tín dụng chính sách, trong đó có vay 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Nguồn vốn vay được cán bộ NHCSXH đánh giá sử dụng đúng mục đích và trả nợ tốt. Theo bà Trần Thị Việt - Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đội 4 thôn Hòn Dù, trước khi có nguồn vốn NHCSXH, phần lớn hộ dân chưa có công trình vệ sinh. Khi được vay vốn, người dân làm nhà vệ sinh và bể chứa dẫn nước từ hệ thống nước tự chảy chứ chưa có nước máy.
Đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh) rất khó khăn về nước sinh hoạt nên nhu cầu vay vốn từ chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường của người dân rất cao. Ông Nguyễn Văn Lợi (thôn Bình Ba Tây) cho biết: “Tôi vay 12 triệu đồng để khoan giếng và sửa chữa nhà vệ sinh. Ở trên đảo, số tiền này không đủ nên kiến nghị NHCSXH cho vay nhiều hơn”.
Đến ngày 31-7, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của xã Cam Bình đạt 13 tỷ đồng; trong đó riêng dư nợ cho vay từ chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường gần 7,4 tỷ đồng với 859 hộ vay. Ông Võ Ngọc Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình đánh giá, đây là kênh vốn hiệu quả đối với người dân xã đảo. Trong điều kiện nước sinh hoạt trên đảo khó khăn, nguồn vốn vay đã đáp ứng nhu cầu xây bể chứa nước mưa, nhà vệ sinh của người dân. Hiện nay, người dân vẫn còn nhu cầu vay vốn lớn từ chương trình này. Tuy nhiên, chi phí đầu tư công trình trên đảo cao hơn nhiều so với đất liền nên kiến nghị NHCSXH tăng mức cho vay chương trình này.
Theo bà Phan Phước Thảo - Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh, thực hiện Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, NHCSXH tỉnh đã triển khai cho vay tại 100% số xã trên địa bàn. Từ năm 2006 đến nay, có 164.531 hộ được vay từ chương trình này; trong đó có 160.000 công trình nước sạch giúp cho các hộ cải tạo giếng, xây bể chứa, làm đường ống dẫn nước và hơn 140.000 công trình vệ sinh môi trường giúp các hộ xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, bể biogas… đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện sinh hoạt, nâng cao sức khỏe và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Đến ngày 30-6-2017, tổng dư nợ cho vay của chương trình hơn 687 tỷ đồng, với 75.105 hộ vay.
N.D
Từ ngày 1-5-2014, mức vay tối đa 1 công trình tăng lên 6 triệu đồng (trước đó 4 triệu đồng), mức vay tối đa chương trình 12 triệu đồng (1 công trình nước sạch và 1 công trình vệ sinh môi trường); lãi suất cho vay 0,75%/tháng; thời hạn vay tối đa 5 năm.
Mới đây, lãnh đạo NHCSXH tỉnh đã đề xuất Hội đồng quản trị NHCSXH tham mưu Chính phủ xem xét tăng hạn mức chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn vì mức tối đa 6 triệu đồng/công trình hiện nay không còn phù hợp.