Nhằm tạo ra bộ giống lúa có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, tỉnh đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai xây dựng bộ giống lúa mang tên Khánh Hòa.
Nhằm tạo ra bộ giống lúa có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, tỉnh đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai xây dựng bộ giống lúa mang tên Khánh Hòa.
Đã bước sang giai đoạn 2
Thời điểm này, những chân ruộng khảo nghiệm sản xuất bộ giống lúa Khánh Hòa tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) phát triển xanh tốt. Các cán bộ kỹ thuật của trung tâm luôn bám sát đồng ruộng, theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển của lúa khảo nghiệm.
Bà Cao Thị Trúc - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm NNCNC cho biết, việc khảo nghiệm bộ giống lúa mang tên Khánh Hòa đã bước sang giai đoạn 2. Giai đoạn 1 được thực hiện trong phòng thí nghiệm của Trường Đại học Cần Thơ với việc tuyển chọn và lai tạo các tổ hợp lai nhiều giống lúa trong ngân hàng gen của trường sau bước khảo sát ban đầu các giống lúa tại Khánh Hòa. Sau đó, những giống lúa được chọn được đưa ra khảo nghiệm cơ bản, theo dõi các chỉ tiêu đánh giá. Có 4 giống được chọn mã hóa ký hiệu là: 3C, 8C (bộ giống năng suất cao) và 3T, 4T (bộ giống chất lượng cao). 4 giống này đều có đặc tính mạ khỏe, số nhánh trên khóm dày (5 - 8 nhánh), chiều cao cây 80 - 100cm, thời gian sinh trưởng 100 - 120 ngày. Riêng giống 3C đóng thóc dày, gié nhiều nhánh con, ít sâu bệnh, thời gian trổ ngắn. Năng suất các giống qua khảo nghiệm đạt 7 - 8 tấn/ha. Giai đoạn 2 đưa ra khảo nghiệm sản xuất 2 vụ tại 3 nơi: Trung tâm NNCNC (huyện Cam Lâm) 7.000m2; Hợp tác xã Nông nghiệp Diên Thạnh (huyện Diên Khánh) và Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa), mỗi hợp tác xã 4.000m2. “Chúng tôi theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển của lúa, thường xuyên gửi kết quả về Trường Đại học Cần Thơ để theo dõi, tổng hợp. Trường chịu trách nhiệm chính về đề tài, thực hiện việc lai tạo, tuyển chọn, đánh giá số liệu, ra quyết định và về Khánh Hòa làm việc vào các giai đoạn then chốt của cây lúa”, bà Trúc cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, đề tài “Lai tạo và tuyển chọn bộ giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sản xuất tại tỉnh Khánh Hòa” do PGS-TS Võ Công Thành - Phó Bộ môn di truyền giống nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm, phối hợp với Trung tâm NNCNC thực hiện. Mục tiêu là tạo ra bộ giống lúa có năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh, nâng cao năng lực chủ động cung cấp nguồn giống lúa cho địa phương; tạo ra một số dòng trung gian có triển vọng làm cơ sở để tuyển chọn, lai tạo một số giống lúa năng suất và chất lượng cao về sau; hoàn chỉnh quy trình canh tác bộ giống lúa cho năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện sản xuất của Khánh Hòa và đào tạo 2 - 3 cán bộ kỹ thuật nắm vững công nghệ lai tạo và tuyển chọn giống lúa mới.
Sẽ hoàn thành vào năm 2018
Kết quả đề tài sẽ được chuyển giao để ứng dụng vào thực tế sản xuất lúa tại địa phương, dần thay thế 2 giống đang sản xuất chủ lực mà không phải là giống bản quyền của tỉnh là ML202 và ML48 và chuyển giao 2 giống siêu nguyên chủng cho Trung tâm NNCNC. Ngoài ra, còn chuyển giao một số dòng trung gian có triển vọng về năng suất và chất lượng cao là cơ sở để tuyển chọn, lai tạo một số giống lúa có năng suất và chất lượng cao; đồng thời đào tạo cho cán bộ Trung tâm NNCNC làm chủ công nghệ lai tạo và tuyển chọn giống lúa.
Tổng kinh phí thực hiện đề tài là 1,75 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh; thời gian thực hiện 36 tháng, từ tháng 10-2015 đến tháng 10-2018. |
Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Khánh Hòa là tỉnh có diện tích sản xuất lúa khá lớn nhưng chưa có bộ giống lúa phù hợp, còn phụ thuộc vào các đơn vị cung cấp. Hàng năm, các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, khảo nghiệm. Bên cạnh đó, một số giống lúa có chất lượng, phẩm chất gạo ngon, thị trường ưa chuộng nhưng sản xuất đã lâu, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh. Vì thế, việc xây dựng bộ giống lúa mang tên Khánh Hòa là cần thiết; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu kỹ thuật để chủ động công tác lai tạo giống cho Khánh Hòa. “Hiện nay, các đơn vị cung cấp giống giữ bản quyền giống của mình; vì thế, những đơn vị muốn nhân giống cho nông dân không còn được miễn phí, thậm chí khi mua họ cũng không đồng ý chuyển giao, vì thế công việc nhân giống cho nông dân bị động, làm đội giá thành, không đáp ứng được nhu cầu của địa phương”, ông Ninh cho biết.
PGS-TS Võ Công Thành cho hay, đến nay, việc triển khai đề tài gặp nhiều thuận lợi, giai đoạn khảo nghiệm sản xuất theo đúng kế hoạch đề ra. Dự kiến đề tài sẽ hoàn thành vào năm 2018 và chuyển giao kết quả cho tỉnh. Hiện tại, Trường Đại học Cần Thơ đang đào tạo 2 cán bộ thuộc Trung tâm NNCNC chuyên sản xuất giống lúa. Về lâu dài, tỉnh nên xây dựng phòng kiểm nghiệm hạt giống để chủ động việc lai tạo giống lúa.
V.L