Trước những khó khăn về thu ngân sách, UBND tỉnh Khánh Hòa đang tập trung các giải pháp nhằm cân đối thu chi. Từ nay đến hết năm 2017, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm chi, hàng loạt dự án sử dụng ngân sách cũng sẽ được điều chỉnh kế hoạch theo hướng tạm dừng, giãn, hoãn tiến độ thi công.
Trước những khó khăn về thu ngân sách, UBND tỉnh Khánh Hòa đang tập trung các giải pháp nhằm cân đối thu chi. Từ nay đến hết năm 2017, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm chi, hàng loạt dự án sử dụng ngân sách cũng sẽ được điều chỉnh kế hoạch theo hướng tạm dừng, giãn, hoãn tiến độ thi công.
6 tháng đầu năm 2017, thu ngân sách của tỉnh đang gặp khó khăn. Theo các số liệu thống kê, so với cùng kỳ năm trước, các nguồn thu từ hoạt động công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 22%, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng 32,8%, thu thuế bảo vệ môi trường tăng 13,1%, thu phí và lệ phí tăng 59,7%... Tuy nhiên, các nguồn thu lớn lại sụt giảm như: doanh nghiệp Nhà nước trung ương thu chỉ bằng 41,8% dự toán; thu ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước địa phương chỉ bằng 32,6% dự toán; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuế sử dụng đất nông nghiệp… giảm.
Theo kế hoạch, vốn đầu tư công năm 2017 gần 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh, với nhiều lý do, nhất là việc hụt thu ngân sách nên kế hoạch này sẽ phải điều chỉnh theo hướng giảm. Cụ thể, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung sẽ phải cắt giảm 300 tỷ đồng. Trong đó, vốn cấp tỉnh 253 tỷ đồng và vốn cấp huyện 47 tỷ đồng. Trong số hàng loạt các phương án cắt giảm chi tiêu, đáng chú ý 33 dự án dự kiến sẽ phải giảm kế hoạch vốn đến 204 tỷ đồng. Đặc biệt, 26/33 dự án bao gồm 10 dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2017 và 16 dự án thi công mới sẽ phải thực hiện việc tạm dừng hoặc giảm, giãn tiến độ thi công.
Chẳng hạn như: Dự án Hệ thống thoát nước mưa khu vực Nam Hòn Khô (giai đoạn 2) theo kế hoạch vốn 2017 là 20 tỷ đồng sẽ phải giảm còn 15 tỷ đồng; Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng khu trường học, đào tạo và dạy nghề Bắc Hòn Ông được điều chỉnh từ 30 tỷ đồng xuống 17 tỷ đồng; Dự án Kè và tuyến đường số 1 sông Cái và sông Suối Dầu dự kiến phân bổ 12 tỷ đồng nhưng sẽ phải giãn tiến độ thi công vì ngân sách chỉ có thể phân bổ 1 tỷ đồng; Dự án Cải tuyến Tỉnh lộ 1B, đoạn từ Hyundai Vinashin đến Ninh Tịnh, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa từ 20 tỷ đồng xuống còn 8 tỷ đồng… Riêng trong số các dự án khởi công mới năm 2017, chủ yếu là các dự án về xây dựng, nâng cấp trường học, giao thông, nguồn vốn đầu tư còn bị cắt giảm mạnh hơn. Trong đó, một số dự án tạm dừng triển khai, các dự án còn lại đều phải cắt giảm, giãn tiến độ với tỷ lệ vốn rất lớn. Chẳng hạn như: Dự án Trạm thực nghiệm khoa học và công nghệ Khánh Sơn có tổng vốn đầu tư 11,986 tỷ đồng, theo kế hoạch vốn năm 2017 sẽ được phân bổ 9 tỷ đồng, nhưng dự án này sẽ phải giãn tiến độ vì ngân sách năm 2017 chỉ có thể cung cấp vỏn vẹn 2 tỷ đồng. Tương tự, giai đoạn 1 của Dự án xây dựng Trường THPT Bắc Khánh Vĩnh từ 8,7 tỷ đồng theo kế hoạch giảm xuống chỉ còn 1 tỷ đồng; Dự án Trường THPT khu vực phía bắc Ninh Hòa (giai đoạn 1) giảm từ 15,7 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng; Trường THPT Nam Diên Khánh kế hoạch vốn 2017 là 14 tỷ đồng cũng phải cắt giảm tới 13 tỷ đồng…
Trong cuộc họp mới đây về thu chi ngân sách, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: “Các sở, ngành, địa phương chỉ thực hiện các dự án xây dựng cơ bản thuộc Chương trình nông thôn mới khi đã có vốn trong tay, tránh tình trạng các dự án thực hiện theo kiểu “đón đầu”, dẫn tới nợ đọng”. |
Theo số liệu của Sở Tài chính, bên cạnh việc giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản, tỉnh còn thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên 7 tháng cuối năm để tiết kiệm 81 tỷ đồng, trong đó giảm chi ngân sách cấp tỉnh 38 tỷ đồng, cấp huyện 43 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được bổ sung nguồn chi cho các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nguồn dự phòng ngân sách địa phương cũng sẽ được cắt giảm 50%, tương ứng số tiền 91 tỷ đồng.
Tuy mạnh tay cắt giảm ngân sách nhưng tỉnh quyết tâm thực hiện 4 dự án lớn trong năm 2017 khi ưu tiên bổ sung vốn 390 tỷ đồng. Đó là: Dự án đường Phong Châu, Nha Trang; Dự án đường Nha Trang đi Đà Lạt đoạn Nha Trang - Diên Khánh; Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc, sông Quán Trường và Dự án Hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh đến đầu sông Tắc. Ngoài các giải pháp về tiết kiệm, tạm ngưng hoặc giảm, giãn tiến độ thi công các dự án sử dụng ngân sách, UBND tỉnh cũng đang thực hiện các giải pháp từ nguồn vốn vay. Trong đó, ngoài việc xin gia hạn trả nợ gốc nguồn vốn tạm ứng Kho bạc Nhà nước (390 tỷ đồng), tỉnh đã tạm ứng số tiền 500 tỷ đồng từ Kho bạc Nhà nước để thực hiện Dự án Đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh (Bộ Tài chính đã phê duyệt cho tạm ứng). Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ vay Ngân hàng Phát triển hơn 111 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới, thay cho mức vay 4,7 tỷ đồng cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi theo như kế hoạch đầu năm.
H.Đ