Gạo Ngọc Quang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền, Hợp tác xã nông nghiệp I Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã đưa vào sản xuất thí điểm. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên đến nay vẫn không phát triển được thương hiệu.
Gạo Ngọc Quang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền, Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) I Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã đưa vào sản xuất thí điểm. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên đến nay vẫn không phát triển được thương hiệu.
Thương hiệu gạo sạch đầu tiên
Tháng 2-2016, thương hiệu gạo Ngọc Quang ra đời làm nức lòng nông dân HTXNN I Ninh Quang cũng như những ai mong muốn phát triển thương hiệu lúa gạo Khánh Hòa. Đây là kết quả từ Dự án Xây dựng và phát triển mô hình lúa chất lượng cao theo hướng giảm thiểu kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật phục vụ du lịch và tiêu dùng của Khánh Hòa. Lần đầu tiên một quy trình sản xuất, chế biến gạo chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn sạch, an toàn được thực hiện tại Khánh Hòa.
Theo ông Trần Nho - Phó Giám đốc HTXNN I Ninh Quang, gạo Ngọc Quang được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt. “Chúng tôi tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa; chỉ dùng thuốc sinh học khi thật sự cần thiết và có thời gian cách ly tối thiểu 15 ngày trước khi đưa ra thị trường. Trong trường hợp buộc phải sử dụng đến thuốc hóa học thì sản phẩm cũng không đưa vào chế biến, tiêu thụ”, ông Nho nói.
Bảo vệ thực vật là khâu quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng sản phẩm an toàn nên khâu này trực tiếp do HTX đảm nhận. HTX thành lập tổ kỹ thuật gồm 3 người phụ trách vùng sản xuất lúa chất lượng cao 10ha, trực tiếp theo dõi và xử lý dịch bệnh, hộ sản xuất không trực tiếp tham gia khâu này nhằm đảm bảo chất lượng gạo sạch triệt để, an toàn trước khi đưa ra chế biến, tiêu thụ.
Ngoài thương hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp, gạo Ngọc Quang còn được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Khánh Hòa chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất kinh doanh. HTX đang thực hiện giấy phép đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm do ngành Y tế cấp phép. HTX cũng đang tiến hành khảo sát hơn 20 giống lúa thơm, chất lượng cao và là 1 trong 2 nơi đang triển khai xây dựng bộ giống lúa mang thương hiệu Khánh Hòa (cùng với Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao).
Ì ạch vì thiếu vốn
Tuy đã được công nhận thương hiệu nhưng đến nay, gạo Ngọc Quang vẫn chưa thể vượt qua giai đoạn thí điểm. Từ đầu năm 2016 đến nay, HTX chỉ đưa vào chế biến, tiêu thụ 15 tấn gạo, phục vụ thị trường trong tỉnh.
Theo ông Lương Công Vân - Giám đốc HTXNN I Ninh Quang, vùng sản xuất 10ha, bình quân sản lượng 600 tấn/vụ cần vốn 3,6 tỷ đồng, nhưng HTX thiếu vốn nên không thể thu mua cho nông dân, vì vậy khó duy trì được vùng sản xuất. Sau giai đoạn thí điểm, việc sản xuất, chế biến gạo sạch tạm thời chững lại. Điều đáng nói, hiện nay, các kênh vốn huy động hầu như bế tắc. “Vay vốn từ Ngân hàng Phát triển khó khả thi vì HTX không biết làm dự án; vay vốn Quỹ HTX thì quỹ này Khánh Hòa chưa có; vay Quỹ Hỗ trợ nông dân thì không đúng đối tượng; vốn khuyến nông cũng không vay được bởi vốn này chỉ hỗ trợ mô hình nhỏ... Trong khi đó, việc liên kết với doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp không muốn đầu tư vào nông nghiệp vì ngại nhiều rủi ro”, ông Vân trăn trở.
Vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn gợi ý hỗ trợ HTX 300 triệu đồng để quảng bá thương hiệu nhưng HTX chưa dám nhận bởi khả năng quảng bá của HTX còn yếu. Điều HTX cần nhất lúc này là tiền đầu tư thu mua lúa cho nông dân, nhu cầu trước mắt khoảng 1 tỷ đồng, nhưng HTX chưa có nguồn.
Ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, cái khó của HTXNN I Ninh Quang cũng là cái khó chung của các HTX hiện nay. Chi cục sẽ tiếp tục đồng hành cùng HTX kiến nghị tỉnh tháo gỡ để tạo điều kiện cho thương hiệu gạo Ngọc Quang phát triển.
V.L