Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp điện, Nhà máy thủy điện EaKrong Rou (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) còn cung cấp nước tưới cho hàng nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp vùng hạ du. Tuy nhiên, với nhiều lý do, hệ thống tưới sau thủy điện này đang gặp không ít trắc trở.
Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp điện, Nhà máy thủy điện EaKrong Rou (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) còn cung cấp nước tưới cho hàng nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp vùng hạ du. Tuy nhiên, với nhiều lý do, hệ thống tưới sau thủy điện này đang gặp không ít trắc trở.
Thiếu nước ngay vùng hạ du
Theo lãnh đạo UBND xã Ninh Tây, toàn bộ diện tích đất sản xuất tại Buôn Sim, Buôn Lác của xã chủ yếu là trồng mía. Khu vực nào người dân đầu tư đào ao, giếng và có nước thì năng suất cây mía đạt tới 80 tấn/ha, còn những nơi khó khăn về nước tưới chỉ đạt khoảng 50 tấn/ha. Vì vậy, người dân mong muốn Nhà nước sớm đầu tư hệ thống thủy lợi sau thủy điện EaKrong Rou để phát triển cây trồng chủ lực nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, bà H-bay, người dân trồng mía ở xã Ninh Sim, Ninh Hòa cho biết: “Nhà tôi có 4 sào mía, từ trước tới nay sử dụng nước từ con suối nhỏ chảy qua để tưới mía. Nhưng nước của suối thường xuyên khô cạn, khi cần tưới lại không có nước. Vì thế, năng suất mía đạt thấp. 4 sào mía mà mỗi vụ thu hoạch chưa đầy 20 tấn mía. Tôi có nghe nói về kênh dẫn nước nhưng chưa thấy”.
Nhìn từ Google Map, hệ thống tưới sau thủy điện EaKrong Rou được chia thành 2 nhánh, gồm kênh chính Bắc và kênh chính Nam. Trên 2 kênh chính này còn có hệ thống các kênh nhánh vươn tỏa đến các khu vực. Toàn bộ hệ thống tưới sau thủy điện EaKrong Rou có nhiệm vụ tưới cho 1.850ha đất sản xuất của các xã: Ninh Tây, Ninh Sim và Ninh Xuân; cấp nước sinh hoạt cho 20.000 người; xả xuống đập dâng sông Cái (thị xã Ninh Hòa) phục vụ tưới cho 1.106ha đất sản xuất nông nghiệp hưởng lợi từ đập dâng này.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Khánh Hòa (viết tắt là Công ty thủy lợi Bắc Khánh Hòa), hệ thống tưới sau thủy điện này chỉ mới đáp ứng gần 43% diện tích tưới so với thiết kế. Cụ thể, kênh chính Bắc và các kênh nhánh với tổng chiều dài gần 23km chỉ mới phục vụ tưới cho khoảng 362ha/866ha diện tích thiết kế. Còn kênh chính Nam và kênh nhánh cũng chỉ có thể tưới cho gần 300ha so với 708ha diện tích thiết kế. Nguyên nhân khiến cho năng lực tưới chưa đạt là do toàn bộ hệ thống kênh được bố trí theo địa hình ở sườn cao hoặc theo kiểu sống trâu để khống chế cao độ của khu tưới, nên các hệ thống kênh nhánh phần lớn là kênh đào, đáy kênh thấp hơn so với cao trình mặt đất từ 1 đến 1,5m, do vậy, công trình dễ bị bồi lấp, hư hỏng sau những đợt mưa, kinh phí để sửa chữa lại khá hạn hẹp. Đồng thời, do kênh thấp hơn cao trình mặt đất, nên người dân sử dụng nước phải bơm tát rất khó khăn. Vì thế, hệ thống tưới chưa phát huy tối đa năng lực tưới. Hệ quả là phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng mía mặc dù nằm ngay vùng hạ du vẫn luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng.
Trắc trở một dự án
Nhu cầu tưới trên diện tích sản xuất nông nghiệp gần 2.000ha tại xã Ninh Tây, Ninh Sim là rất lớn. Tuy nhiên, chủ trương đầu tư hệ thống chân rết, mở rộng phạm vi, năng lực tưới của hệ thống thủy lợi sau thủy điện EaKrong Rou lại đang gặp không ít trắc trở. Ban đầu, theo dự án đã được phê duyệt, sẽ có 25 tuyến kênh nội đồng với tổng chiều dài khoảng 18km được đầu tư xây dựng với số vốn hơn 28 tỷ đồng. Nhưng do khó khăn về vốn đầu tư, dự án được rút xuống còn 10 tuyến kênh nội đồng với số vốn khoảng 11,5 tỷ đồng từ nguồn vốn của UBND thị xã Ninh Hòa, của các xã và người dân hưởng lợi từ dự án này. Dẫu vậy, Ninh Hòa không có khả năng cân đối nguồn vốn để triển khai đầu tư.
Mới đây nhất, theo ông Phạm Là - Giám đốc Công ty thủy lợi Bắc Khánh Hòa, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư hệ thống kênh chân rết để mở rộng vùng tưới, cho phép Công ty thủy lợi Bắc Khánh Hòa làm chủ đầu tư, đồng ý hỗ trợ nguồn vốn đầu tư là 11,7 tỷ đồng, bổ sung dự án vào kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020. Theo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hệ thống kênh tưới nội đồng sau thủy điện EaKrong Rou do Công ty thủy lợi Bắc Khánh Hòa xây dựng, dự án sẽ xây dựng các kênh chân rết đấu nối với hệ thống đang có, lan tỏa đến nhiều khu vực hơn, có khả năng đáp ứng tưới từ 659ha hiện nay lên 1.252ha cho 2 xã Ninh Tây và Ninh Sim.
Như vậy, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương, đồng thời có sự hỗ trợ về vốn đầu tư. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa hết khó khăn. Trong buổi làm việc giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty thủy lợi Bắc Khánh Hòa và các cơ quan liên quan về đề xuất chủ trương đầu tư dự án này, các sở, ngành đã yêu cầu đơn vị chủ đầu tư làm rõ khá nhiều nội dung, trong đó có 2 nội dung quan trọng gồm: dự án cần đánh giá khả năng cung cấp nước của nhà máy thủy điện; đơn vị chủ đầu tư cần đánh giá lại hiệu quả của hệ thống đang có, từ đó làm cơ sở đề xuất quy mô đầu tư tiếp theo.
Trên thực tế, nguồn nước cấp cho hệ thống thủy lợi này không xuất phát từ một hồ chứa nước như thông thường. Nơi đây sử dụng nước sau thủy điện, phụ thuộc hoàn toàn vào lịch phát điện của nhà máy. Nói khác đi là thời điểm cung cấp bị động, không phụ thuộc vào thời vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, đơn vị quản lý công trình cần phải xây dựng quy chế phối hợp với nhà máy thủy điện, đồng thời làm việc với các địa phương để tính toán lịch thời vụ sao cho khớp với lịch phát điện của Nhà máy thủy điện EaKrong Rou trên cơ sở cùng nhau điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ của mỗi bên. Đồng thời, vấn đề lượng nước cung cấp cũng cần được tính toán kỹ lưỡng, liệu sau khi đầu tư hệ thống thủy lợi, lượng nước có đủ đổ về các kênh tưới hay không. Ngoài ra, năng lực tưới của công trình hiện có cũng đang gặp không ít vấn đề, chủ đầu tư cũng cần rà soát lại toàn bộ để có đánh giá xác đáng hơn đối với hệ thống này.
Theo lãnh đạo Công ty thủy lợi Bắc Khánh Hòa, toàn bộ các nội dung này đang được công ty tích cực thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017 để bổ sung vào báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Như vậy, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp khu vực hạ du Nhà máy thủy điện EaKrong Rou vẫn tiếp tục “khát” trong khi chờ các cơ quan, đơn vị chức năng tính toán lại.
H.Đ