UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất quy hoạch chi tiết 1/500 Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). Hiện nay, chủ đầu tư đang chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất quy hoạch chi tiết 1/500 Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). Hiện nay, chủ đầu tư đang chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án.
Phù hợp với quy hoạch
Dự án Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong do Công ty TNHH Cảng Vân Phong làm chủ đầu tư với tổng số vốn khoảng 417 tỷ đồng cho giai đoạn 1. Dự án có tổng diện tích 42,75ha, trong đó 20,6ha mặt nước. Mục tiêu dự án là xây dựng bến cảng tổng hợp đa năng nhằm phục vụ cho các khu công nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận. Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn mở đầu sẽ đầu tư bến cảng tổng hợp theo kiểu bến nhô, tiếp cận tàu trọng tải lên đến 50.000DWT. Sau khi hội tụ đủ các điều kiện, nhu cầu thị trường, chủ đầu tư sẽ hoàn thiện bến cảng trung chuyển container quốc tế theo quy hoạch. Lúc này, cầu 50.000DWT sẽ đóng vai trò là đường dẫn ra bến cảng container.
Mới đây, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) cùng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong rà soát quy hoạch để làm rõ về tính pháp lý của dự án. Qua rà soát, Sở GTVT cho biết, theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ (có 4 nhóm) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt năm 2016, Dự án Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong hoàn toàn phù hợp với quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Cụ thể, vị trí Dự án Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong trùng với vị trí của Dự án Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong do Vinalines làm chủ đầu tư (đã bị thu hồi). Vị trí này cũng đã được Cục Hàng hải Việt Nam thỏa thuận bằng văn bản ngày 23-5-2016.
Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho rằng, theo quy hoạch của Bộ GTVT, khu bến cảng Đầm Môn bao gồm các bến: bến cát Đầm Môn, bến tổng hợp đa năng Đầm Môn, bến cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, bến khách du lịch quốc tế Đầm Môn. Riêng đối với bến cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, giai đoạn mở đầu sẽ xây dựng bến cảng tổng hợp đa năng nhằm phục vụ các dự án công nghiệp. Vì vậy, Dự án Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong hoàn toàn phù hợp về tính chất, vị trí, quy hoạch.
Khởi công ngay khi có giấy phép xây dựng
Hiện nay, cảng Nha Trang đã được phê duyệt chuyển đổi công năng thành cảng du lịch thuần túy trong tương lai. Vì vậy, Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong sẽ thay thế chức năng tiếp nhận tàu hàng của cảng Nha Trang, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thông suốt tại khu vực Khánh Hòa và Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Về việc di dời Đồn Biên phòng Đầm Môn, đến nay, công tác đền bù đã được thực hiện xong để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án giai đoạn mở đầu. Theo hồ sơ quy hoạch đã thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt, sẽ có một bến công vụ dài 330m để phục vụ việc neo đậu cho các tàu công vụ của cảng, Cảng vụ Hàng hải, Công ty Hoa Tiêu, Cảnh sát giao thông đường thủy, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn… Trong giai đoạn thi công, chủ đầu tư sẽ tạo điều kiện cho tàu của Bộ đội Biên phòng tiếp tục tạm thời neo đậu, hoạt động tại bến tạm hiện hữu. Sau khi thi công bờ kè kết hợp với bến tàu công vụ thì tàu của Bộ đội Biên phòng sẽ chuyển qua neo đậu và hoạt động tại khu vực bến công vụ để hoàn trả mặt bằng cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn thiện san lấp mặt bằng của dự án. Qua rà soát, tất cả đều đúng thủ tục pháp lý, phù hợp với các quy hoạch về cảng biển đã được phê duyệt. Vì vậy, chỉ cần có giấy phép xây dựng là chủ đầu tư sẽ khởi công dự án trong năm nay.
Dự án Đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong được khởi công từ năm 2009 với kỳ vọng là dự án động lực giúp phát triển toàn bộ Khu kinh tế Vân Phong. Tuy nhiên, sau lễ khởi công và đóng được 114/1.729 cọc sắt (chiếm 6% số cọc) thì dừng lại. Năm 2012, Chính phủ có quyết định thu hồi dự án và bỏ hoang đến nay. Hy vọng, Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong đi vào hoạt động sẽ là động lực mới để phát triển khu vực bắc Vân Phong.
VĂN KỲ