5 năm qua, Hội Nông dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) và cơ sở đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, xây dựng, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong đó, nòng cốt là các tổ hợp tác và hợp tác xã.
5 năm qua, Hội Nông dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) và cơ sở đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, xây dựng, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong đó, nòng cốt là các tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX).
Nhiều tổ hợp tác hoạt động hiệu quả
Ông Nguyễn Lai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm cho biết, đến nay, huyện có 21 tổ hợp tác. Tất cả các tổ đều sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp như: trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ, cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản…; mỗi tổ có bình quân 5 - 15 tổ viên. Các tổ hoạt động nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế. Qua đánh giá, có 10 tổ hoạt động tốt, 7 tổ hoạt động trung bình, 4 tổ hoạt động cầm chừng.
Tổ hợp tác nuôi gà trại lạnh (xã Cam An Bắc) là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả. Tổ thành lập từ năm 2009, có sự đầu tư của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (cung cấp con giống, thức ăn, lo đầu ra). Đến nay, tổ có 3 trại gồm 14 thành viên với số vốn góp 3,8 tỷ đồng; mỗi trại nuôi 12.000 con. Các trang trại xây dựng khá kiên cố, có hệ thống làm lạnh cho gà, chu kỳ chăn nuôi 1 năm từ 3 đến 4 vụ. Ông Diệp Đức Quyền - Tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, từ năm 2010 đến 2015, tổ được hỗ trợ vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp các thành viên đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tham gia tổ, các thành viên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc gà, tiếp cận các kỹ thuật mới... Lợi nhuận khoảng 2,5 tỷ đồng/3 trại/năm. Không chỉ vậy, tổ còn giải quyết việc làm ổn định cho 30 lao động tại địa phương với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng”.
Các tổ hợp tác như: máy cày Thành Đạt (xã Suối Cát), máy cày Gia Long và nuôi gà thịt Hùng Nguyện (xã Cam Tân), trồng hoa cúc (thị trấn Cam Đức), máy cày đất Văn Tứ (xã Cam Hòa)… cũng hoạt động khá hiệu quả.
Được biết, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, hội đã giúp 21 tổ vay vốn hơn 4 tỷ đồng. Nhờ vậy, nhiều tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả kinh tế; nhiều nông dân vươn lên làm giàu, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Thúc đẩy xây dựng mô hình kinh tế tập thể
Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… hỗ trợ lãi suất, vốn cho tổ hợp tác, HTX...
Công tác đào tạo, tập huấn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh được tích cực triển khai. 5 năm qua, hội đã tổ chức 25 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho 754 lượt cán bộ hội; đồng thời, phối hợp mở 26 lớp bồi dưỡng, tư vấn về quản lý kinh tế cho hàng nghìn lượt cán bộ HTX, tổ hợp tác, cán bộ hội cơ sở. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng, phát triển kinh tế tập thể cũng được chú trọng. Bên cạnh đó, hội xây dựng gần 200 mô hình trình diễn sản xuất trồng trọt, chăn nuôi; phối hợp với các công ty tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp... cho các xã viên, hội viên, nông dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng và phát triển kinh tế tập thể còn ít. Một số tổ hợp tác có nội dung hoạt động còn đơn giản, chủ yếu theo hình thức tương trợ lẫn nhau, liên kết còn lỏng lẻo… Đáng nói, hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ có HTX nông nghiệp Suối Cát đang hoạt động nhưng quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, hiệu quả chưa cao.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện và cơ sở tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể. Đến năm 2020, huyện phấn đấu hướng dẫn, thành lập tổ hợp tác đến 100% xã, thị trấn; thành lập HTX đến 80% xã, thị trấn. Trước mắt, phối hợp thành lập 2 HTX tại Cam Hòa, Cam Hiệp Bắc (2 xã phấn đấu đạt nông thôn mới cuối năm 2017). Đồng thời, thành lập thêm 4 HTX tại Cam Tân, Cam Hải Tây, Cam Hiệp Nam, Cam Hải Đông (các xã đã đạt nông thôn mới)... Để đạt mục tiêu này, hội tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân nâng cao ý thức xây dựng các mô hình kinh tế tập thể; làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hỗ trợ vốn, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên tổ hợp tác, HTX phát triển…
K.NGUYỄN