06:05, 23/05/2017

Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp: Nhiều điểm mới, khó triển khai

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định số 661 quy định thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017 - 2020. 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định số 661 quy định thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017 - 2020. So với chính sách áp dụng trước đó, Quyết định 661 có rất nhiều điểm mới, trong đó tập trung vào việc nâng tầm quy mô nông nghiệp.


Nâng tầm quy mô nông nghiệp


Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, giai đoạn 2013 - 2015, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nên các mô hình sản xuất hiệu quả. Tuy nhiên, chính sách giai đoạn này mới chỉ dừng lại ở hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi với quy mô không quá 10 triệu đồng/hộ, chưa góp phần giải quyết được yếu tố manh mún, nhỏ lẻ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

 

Giai đoạn 2017 - 2020, các hình thức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 661 đã có sự đổi khác, mức hỗ trợ không chỉ cao hơn rất nhiều so với trước, mà còn kèm theo các điều kiện về quy mô và hình thức sản xuất. Quyết định này chia đời sống sản xuất nông nghiệp thành 7 lĩnh vực được hỗ trợ. Mức hỗ trợ tùy vào từng lĩnh vực, có thể hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng, bao quát hầu hết các lĩnh vực đầu tư cả về cơ sở hạ tầng, công nghệ sản xuất, tưới tiêu, giống, phân bón, đầu ra sản phẩm…


Để được hỗ trợ, quy mô sản xuất của nông dân cũng phải được nâng lên, đáp ứng được đòi hỏi tiên quyết đó là sản xuất theo hướng hàng hóa. Chẳng hạn, quy mô vùng chuyển đổi cây trồng tối thiểu phải 2ha đối với cây hàng năm, 5ha đối với cây lâu năm. Hay như việc người dân ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt phải trên diện tích tối thiểu là 2ha rau, 5ha cây lâu năm, 0,5ha cây hoa, 200m2 nhà trồng nấm... mới được xem xét hỗ trợ. Còn trong chăn nuôi, quy mô phải đáp ứng ít nhất 30 con bò, hoặc 100 con heo hoặc 4.000 con gà…

 

Một hộ kinh doanh trái cây trao đổi với người trồng bưởi ở huyện Khánh Vĩnh về liên kết  tiêu thụ sản phẩm

Một hộ kinh doanh trái cây trao đổi với người trồng bưởi ở huyện Khánh Vĩnh về liên kết tiêu thụ sản phẩm

 

Cần nhiều thời gian


Quyết định của UBND tỉnh đưa ra hình thức, mức hỗ trợ và diện tích, quy mô đáp ứng để được hỗ trợ. Khi triển khai vào thực tế, rõ ràng việc đáp ứng các điều kiện về quy mô là không hề dễ dàng. Theo cơ quan chuyên môn, đa số các hộ nông dân sản xuất cây hàng năm chỉ có diện tích canh tác khoảng 0,2ha. Rõ ràng, người nông dân sẽ cần phải liên kết lại với nhau, hình thành nên các tổ liên kết, hợp tác xã mới có thể đạt đủ điều kiện về diện tích sản xuất. Nhưng khi triển khai các phương án liên kết, việc hình thành nên các vùng sản xuất liền vùng, liền thửa có diện tích đủ lớn rất khó thực hiện.


Hầu hết các tổ chức, cá nhân nhận thấy mình không đủ điều kiện để được hỗ trợ, chủ yếu là không đủ về quy mô, cần phải liên kết với nhiều hộ sản xuất khác. Trong khi đó, việc liên kết đòi hỏi cả một quá trình, đặc biệt liên kết làm sao để hình thành được đầu ra ổn định lại càng khó khăn hơn. Đơn cử như vùng sản xuất khoai sáp tại huyện Cam Lâm, một cây trồng cho hiệu quả cao hơn so với trồng lúa.


Tuy nhiên, sản phẩm khoai sáp không phải là một mặt hàng tiêu thụ đại trà. Để có được đầu ra ổn định, các hộ sản xuất loại cây này cần phải liên kết với nhau, tính toán thời điểm thu hoạch khác nhau để cung ứng cho thị trường một cách đều đặn về sản lượng, thường xuyên về thời điểm mới có thể tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Các cơ quan chức năng đã xúc tiến việc liên kết giữa những hộ trồng khoai với các thương lái chuyên thu mua. Theo đó, các hộ sản xuất sẽ trồng khoai theo đơn đặt hàng của thương lái, ổn định về sản lượng cũng như giá cả. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, mối liên kết này vẫn chưa thành hiện thực.


Theo ông Trương Hữu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi rất nhiều thời gian. Các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 661 của tỉnh nhằm hướng đến việc liên kết sản xuất nông nghiệp quy mô đủ lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa. Người nông dân bây giờ phải có cách nghĩ hiện đại, phải giải cho được bài toán thị trường rồi mới bắt tay vào sản xuất.


Được biết, tỉnh đã dành 20 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2017. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có mô hình nào tiếp cận được với chính sách này. Nguyên nhân được cho là quá trình triển khai chính sách đang gặp một số trở ngại. Tại các xã, hiện nay, cán bộ nông nghiệp hầu hết chưa “nằm lòng” chính sách còn mới mẻ này. Vì thế, theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn, cuối tháng 5, đơn vị sẽ tổ chức một lớp tập huấn dành cho cán bộ cấp xã, các phòng chuyên môn cấp huyện và các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh quán triệt Quyết định 661 của tỉnh, các thành viên tham gia sẽ được trang bị các thông số, cách làm chủ yếu về điều kiện để được hỗ trợ, sao cho quyết sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp sớm đi vào thực tế.


H.Đ