Hầm đường bộ qua đèo Cả: Công trình mang tầm vóc quốc gia
Dự kiến tháng 7 năm nay, Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả sẽ hoàn thành, đánh dấu một mốc son trong hành trình xuyên rừng mở núi của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả. Đây là công trình mang tầm vóc quốc gia, của những con người dám nghĩ, dám làm, cho thấy khả năng, sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập vươn ra biển lớn.
Dự kiến tháng 7 năm nay, Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả sẽ hoàn thành, đánh dấu một mốc son trong hành trình xuyên rừng mở núi của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả. Đây là công trình mang tầm vóc quốc gia, của những con người dám nghĩ, dám làm, cho thấy khả năng, sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập vươn ra biển lớn.
Hành trình băng rừng mở núi
Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả là công trình có tính phức tạp nhất từ trước đến nay, được các doanh nghiệp, nhà thầu trong nước thi công trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trên thế giới. Sau gần 4 năm khởi công, ngày 31-7-2016, công trình hầm đường bộ đèo Cả chính thức thông suốt. Đây là cột mốc đáng nhớ, sự kiện quan trọng đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư dự án).
Ông Lê Quỳnh Mai - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả nhấn mạnh: “Trước đây, đối với các công trình phức tạp làm hầm thường do nhà thầu nước ngoài thi công. Đây là dự án đầu tiên do chính liên danh các doanh nghiệp, nhà thầu có uy tín trong nước thi công công trình. Nhờ sự nỗ lực của các nhà thầu và toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động, hầm đèo Cả được thông sớm hơn tiến độ 2 tháng; các hạng mục khác của công trình đều đạt và vượt tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá tốt”.
Theo thiết kế, Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả có tổng vốn đầu tư hơn 15.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhà đầu tư đã tối ưu lựa chọn hướng tuyến, giảm đi chiều dài 2 ống hầm từ 5,7km xuống còn 4,3km, đồng thời tránh vết đứt gãy tạo ra nguy hiểm cho việc thi công; 2 lần thay đổi tư vấn thiết kế, nhờ đó đã giúp tiết giảm được hơn 4.200 tỷ đồng. Hầm được thiết kế gồm 2 ống ngầm song song, cách nhau 30m, trang bị hệ thống hiện đại gồm đèn chiếu sáng, quạt thông gió, phòng cháy chữa cháy... Hầm có 2 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc, tốc độ 80km/giờ, có thể chịu được động đất cấp 7.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng trực tiếp đi thị sát và đánh giá, hầm đường bộ đèo Cả là dự án trọng điểm của quốc gia, có tầm quan trọng rất lớn trong việc kết nối giao thông. “Tôi rất tự hào vì đây là công trình hầm do chính người Việt Nam thực hiện. Việc đảm nhận dự án lớn có tính phức tạp thể hiện sự trưởng thành vượt trội của các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước, nhất là đội ngũ công nhân viên kỹ thuật, kỹ sư, giám sát thi công…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Động lực phát triển Nam Trung Bộ
Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả mang lại lợi ích to lớn ở nhiều lĩnh vực. Trước hết, công trình sẽ xóa điểm đen về tai nạn giao thông, tránh được đường đèo dài nguy hiểm cuối cùng, nối thông giữa hai miền Nam - Bắc. Công trình còn đảm bảo cho công tác quốc phòng, an ninh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Cùng với đó, hầm đường bộ qua đèo Cả có ý nghĩa chiến lược cho mục tiêu phát triển lâu dài; tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn diện trong khu vực, đặc biệt là kết nối hai khu kinh tế trọng điểm nam Phú Yên với Vân Phong (bắc Khánh Hòa). Đó là chưa kể lợi ích kinh tế to lớn từ việc tiết kiệm nhiên liệu và thời gian cho các phương tiện tham gia giao thông khi qua hầm. Ngoài ra, công trình còn có ý nghĩa trong việc nâng cao hiệu quả khai thác tuyến Quốc lộ 1, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và tạo ra những tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể khẳng định, dự án không chỉ dừng lại ở mức độ tác động tích cực đến hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, phá thế “ốc đảo” lâu nay do địa hình, giao thông cách trở mà còn có ý nghĩa mang tầm khu vực, quốc gia. Còn nhớ lần tham gia lễ thông hầm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc có thêm hầm đường bộ đèo Cả sẽ nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa miền Trung và khu vực phía nam, nối liền các khu vực phát triển tại miền Trung, đặc biệt giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngoài ra, hầm đường bộ tạo ra sự kết nối quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, cửa ngõ của Tây Nguyên cũng như đường xuyên Á ra biển, kết nối với đường hàng hải quốc tế.
Ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án hầm đường bộ qua đèo Cả cho biết, dự án đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và trên đường về đích. Nhiều hạng mục đã vượt tiến độ đề ra, như: thi công vỏ hầm, lắp đặt các thiết bị trong hầm… Hầu hết các gói thầu đều đạt từ 85 đến 95% khối lượng công việc. Dự kiến cuối tháng 7, dự án sẽ hoàn thành cơ bản, thông xe kỹ thuật và vận hành thử. Khó khăn lớn nhất của dự án hiện tại vẫn nằm ở trạm dừng nghỉ, khi chưa có mặt bằng để thi công. Công ty cũng mong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tìm hướng giải quyết để người dân sớm bàn giao mặt bằng.