11:03, 06/03/2017

Ưu tiên phát triển đàn bò lai

Các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi cho hộ nông dân, chủ yếu là tập trung hỗ trợ phát triển đàn bò lai. 

Các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang triển khai chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi cho hộ nông dân, chủ yếu là tập trung hỗ trợ phát triển đàn bò lai.  


Thực hiện Quyết định 50/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã phê duyệt 2 gói hỗ trợ do Chi cục Chăn nuôi và thú y, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT) đề xuất.

 

Hộ nông dân nuôi bò cái sinh sản từ 10 con trở xuống được hỗ trợ phối giống nhân tạo
Hộ nông dân nuôi bò cái sinh sản từ 10 con trở xuống được hỗ trợ phối giống nhân tạo


Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, các đơn vị đã phối hợp triển khai chính sách của tỉnh về hỗ trợ chăn nuôi cho hộ nông dân từ ngày 1-3. Về hỗ trợ phối giống nhân tạo bò: hộ nuôi bò cái sinh sản, quy mô từ 10 con trở xuống có nhu cầu phối giống nhân tạo làm đơn đăng ký, được UBND cấp xã xác nhận, nộp về Trạm Chăn nuôi và thú y để tổng hợp. Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí vật tư và phối giống nhân tạo. Về hỗ trợ mua bình Nitơ, yêu cầu người làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo đã qua đào tạo, tập huấn, có chứng chỉ nộp hồ sơ về trạm để tổng hợp. Tỉnh sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/bình/người. Đối với việc hỗ trợ đào tạo, tập huấn phối giống nhân tạo bò, người tham gia đào tạo được hỗ trợ chi phí sau khi hoàn thành khóa học là 6 triệu đồng/người. Năm 2017, tỉnh sẽ hỗ trợ 10 bình Nitơ và hỗ trợ đào tạo 6 dẫn tinh viên.

 

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí mua vật tư phối giống nhân tạo, trang bị kỹ thuật cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc; hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật phối giống cho dẫn tinh viên. Đồng thời, hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi (biogas), mỗi năm 105 công trình; mỗi năm mua 25 con bò đực giống để phối giống trực tiếp cho bò sinh sản tại địa bàn khó khăn chưa có điều kiện thực hiện thụ tinh nhân tạo. Mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/công trình biogas; 20 triệu đồng/con bò đực giống.

Tổng kinh phí hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020 hơn 8,8 tỷ đồng. Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và thú y đảm trách hơn 3,5 tỷ đồng, Trung tâm Khuyến nông đảm nhận gần 5,3 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đơn vị cũng đã triển khai kế hoạch hỗ trợ chăn nuôi hộ nông dân. Theo đó, năm 2017 sẽ hỗ trợ xây dựng 111 hầm biogas, hỗ trợ 50% giá trị, tương đương 5 triệu đồng/hầm; hỗ trợ mua 16 con bò đực giống, hỗ trợ 50% giá trị, tương đương 20 triệu đồng/con.


Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ tập trung trên nhiều đối tượng nhưng tỉnh chỉ hỗ trợ phát triển đàn bò. Ông Lê Thắng lý giải: hiện tại, chăn nuôi trang trại tại Khánh Hòa rất phát triển, chủ lực là heo. Toàn tỉnh có hàng trăm trang trại, phần lớn là các trang trại nuôi gia công cho các công ty nước ngoài, áp dụng kỹ thuật tiên tiến hầu hết các khâu từ giống, thức ăn đến phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, dự án khí sinh học do Chính phủ Hà Lan tài trợ mấy năm qua đã giúp người chăn nuôi heo đầu tư xây dựng hầm biogas, cung cấp chất đốt phục vụ sinh hoạt, giải quyết tình trạng ô nhiễm từ các hoạt động chăn nuôi. Đồng thời, công tác thụ tinh nhân tạo heo đã đi vào nề nếp, nhiều cơ sở sản xuất giống trên địa bàn có quy trình sản xuất giống hoàn hảo. Trong khi đó, ngành chăn nuôi trâu bò, chủ lực là bò vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản phẩm thịt cho tỉnh.


Theo ông Nguyễn Lương Thao - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, hiện nay, tổng đàn bò toàn tỉnh khoảng 70.000 con, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm ưu thế, chủ yếu là chăn nuôi hộ gia đình từ 1 đến 5 con. Những năm qua, thông qua nguồn ngân sách các cấp đã hỗ trợ cải tạo chất lượng đàn bò như: dự án cải tạo đàn bò của Trung ương năm 1995, của tỉnh năm 2000, chương trình bò thịt chất lượng cao năm 2008. Đến nay, thể trạng, tầm vóc đàn bò trong tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể, nâng lên 400 - 500kg/con so với 150 - 200kg trước đây. Tuy nhiên, sức cung cấp thực phẩm chỉ mới đáp ứng 60% nhu cầu thịt toàn tỉnh. Vì thế, việc tập trung hỗ trợ phát triển đàn bò trong giai đoạn hiện nay là hợp lý.


V.L