Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Khánh Hòa năm 2016 vừa được ngành chức năng công bố. Một số chỉ tiêu chính đã cho thấy nền kinh tế khu vực nông thôn đang có những bước chuyển dịch đáng ghi nhận.
Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Khánh Hòa năm 2016 vừa được ngành chức năng công bố. Một số chỉ tiêu chính đã cho thấy nền kinh tế khu vực nông thôn đang có những bước chuyển dịch đáng ghi nhận.
Nâng chất quy mô sản xuất nông nghiệp
Sự khác biệt lớn của bức tranh nông thôn so với giai đoạn trước là hoạt động sản xuất nông nghiệp đang dần tiệm cận với cách thức, quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Toàn tỉnh đã hình thành được 144 trang trại, trong đó có 19 trang trại trồng trọt, 105 trang trại chăn nuôi, 18 trang trại nuôi trồng thủy sản và 2 trang trại tổng hợp. Kinh tế trang trại bình quân hàng năm thu về hơn 500 tỷ đồng, trong đó các trang trại trồng trọt, chăn nuôi thu bình quân 3,5 tỷ đồng mỗi năm, trang trại thủy sản là 4,1 tỷ đồng.
Bưởi da xanh đang dần thay thế cây mì, bắp ở huyện Khánh Vĩnh |
Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, kinh tế trang trại đã đem lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt, việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhiều vùng đất trống, mặt nước bỏ hoang hoặc cây trồng hiệu quả thấp đã dần được chuyển dịch, thay thế bằng mô hình trồng trọt, chăn nuôi tập trung, hiệu quả cao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Kinh tế trang trại không chỉ khai thác, huy động tối đa nguồn vốn trong nhân dân, mà còn tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, góp phần không nhỏ vào quá trình thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng đã hình thành được 2 cánh đồng lớn với quy mô 136ha. Đây đều là những cánh đồng mía lớn, thu hút gần 50 hộ sản xuất tập trung, theo chuỗi quy trình và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với những cam kết hết sức chặt chẽ. Những cánh đồng tiên phong này đại diện cho những mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả cao, sẽ được nhân rộng trong thời gian đến.
Song hành với các hình thức sản xuất tập trung, quy mô lớn, chuyện một trang trại nuôi hàng trăm con gia súc hay hàng nghìn con gia cầm không còn là chuyện hiếm. Những diện tích cây lúa hoặc cây lâu năm, cây ngắn ngày kém hiệu quả đã dần được thay thế bởi những cây trồng phù hợp và hiệu quả hơn. Ở Khánh Hòa, giá trị sản xuất từ các loại trái cây cũng đã được khẳng định. Cả người trồng bưởi và cơ quan chuyên môn đều khẳng định rằng, 1 cây bưởi da xanh cho thu hoạch đem về thu nhập giá trị tương đương với 1 sào lúa. Bởi vậy, bưởi trở thành cây chủ lực, cùng với xoài, sầu riêng, tiêu, tỏi, ớt, rau xanh… đang là định hướng cây trồng chủ lực của nhiều địa phương, tạo nên bức tranh nông nghiệp đa sắc màu và có giá trị kinh tế lớn hơn đáng kể so với giai đoạn trước. Với cây lúa, nhiều diện tích sản xuất ở các địa phương như: Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh cũng đã trở thành sân sau của các doanh nghiệp, sản xuất lúa giống theo đơn đặt hàng với hiệu quả gấp nhiều lần so với sản xuất lúa thương phẩm.
Bộ mặt nông thôn hoàn toàn đổi khác
Đối tượng điều tra chính là hộ dân cư sống ở nông thôn và hộ có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị. Theo đó, tổng số hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh là 188.314 hộ. Trong số này, các hộ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản hiện chỉ chiếm chưa đầy 45%, giảm hơn 10% so với thời điểm 2011; các ngành nghề về công nghiệp, xây dựng tăng 31,2%; hộ thương nghiệp, vận tải tăng 17,7% và hộ dịch vụ khác tăng 26,5%. Từ chỗ dịch chuyển về ngành nghề, thu nhập chính của cư dân khu vực nông thôn cũng có sự đổi thay tương ứng, không còn phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Cụ thể, hiện chỉ còn chưa đầy 75.500 hộ có thu nhập chính từ nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 7,7%. Ngược lại, tỷ lệ hộ thu nhập từ thương nghiệp, vận tải và dịch vụ khác đã lên đến gần 49.000 hộ, tăng gần 20%. Ngoài ra, hiện đã có gần 9.000 hộ thu nhập từ các nguồn khác, tăng 51,3%. |
Trong quá trình phát triển về hạ tầng, giai đoạn 2011 - 2016 có sự trợ lực mạnh mẽ thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, khi so sánh về hạ tầng nông thôn năm 2011 và 2016 có sự khác biệt khá lớn. Tính đến ngày 1-7-2016, trong số 99 xã và 495 thôn trên toàn tỉnh, tất cả đã có điện, 99% trong số đó đã được phủ lưới quốc gia. Nếu không tính 3 xã đảo thuộc huyện Trường Sa, TP. Cam Ranh, tất cả các xã còn lại đã có đường ô tô đi từ trụ sở cấp huyện xuống cấp xã. Đây cũng là giai đoạn bằng nhiều nguồn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn từ chương trình nông thôn mới đã xây dựng hệ thống giao thông liên thôn, liên xã, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân. Tất cả các xã trên toàn tỉnh cũng đã được đầu tư xây dựng trường mầm non và trường tiểu học; 72/99 xã có trường THCS và 7/99 xã có trường THPT. Hầu hết học sinh không còn phải đi học trên quãng đường quá xa, góp phần tạo điều kiện cho các em đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học, nhất là ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại cuộc họp tổng kết Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Khánh Hòa 2016 mới đây, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra nhấn mạnh: “Các số liệu thống kê đã thể hiện được bức tranh chi tiết về kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn hiện nay. Cùng với 4 đợt điều tra trước đó vào các năm: 1994, 2001, 2006 và 2011, chúng ta có thể nhìn nhận một cách khách quan, trung thực về những chuyển dịch của kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trong hơn 20 năm qua. Đây là những chỉ số hết sức quan trọng, giúp người dân và chính quyền các cấp có được cái nhìn về thế mạnh, điểm yếu trong quá trình phát triển ở khu vực nông thôn, từ đó làm cơ sở hoạch định phát triển ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới. Đơn cử như hiện nay, toàn tỉnh đã có đàn gia cầm khoảng 2 triệu con, so với quy mô dân số như vậy là đủ đáp ứng thị trường. Nhưng Khánh Hòa cũng chỉ mới có chưa đầy 84.000 con bò, chưa đủ cung ứng ra thị trường. Như vậy, các chính sách trong giai đoạn tới sẽ hạn chế khuyến khích phát triển đàn gà, vịt mà chủ yếu tập trung các chính sách phát triển đàn bò”.
Theo ông Đỗ Văn Cống - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cuộc tổng điều tra nhằm biên soạn, xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn. Đồng thời, các số liệu còn phục vụ việc đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn… Trong thời gian đến, trên cơ sở kết quả điều tra, Tổng cục Thống kê sẽ đưa ra bộ số liệu đầy đủ và bao quát nhất.
H.Đ