03:03, 11/03/2017

Đề án Đặc khu hành chính – kinh tế Bắc Vân Phong: Phải xác định rõ hình hài

Ngày 11-3, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với tỉnh Khánh Hòa để nghe báo cáo về việc thành lập Đặc khu Hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong và dự án Luật đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ngày 11-3, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với tỉnh Khánh Hòa để nghe báo cáo về việc thành lập Đặc khu Hành chính - kinh tế (HC-KT) Bắc Vân Phong và dự án Luật đơn vị HC-KT đặc biệt. Dự buổi làm việc có ông Lê Đức Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các vị trong thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh. 
 

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (bên trái) phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.
 
Nhiều lợi thế để thành lập đặc khu hành chính – kinh tế
 

Theo báo cáo của UBND tỉnh,  khu vực Bắc Vân Phong có vị trí chiến lược về kinh tế, nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng. Đây là cửa mở hướng ra biển Đông của khu vực Tây Nguyên nói riêng và bán đảo Đông Dương nói chung đối với hành lang kinh tế Đông – Tây. Bên cạnh đó,  khu vực Bắc Vân Phong có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên như tiếp giáp với vịnh Vân Phong (một trong những vịnh tự nhiên tốt nhất vùng Đông Á rộng hơn 46.000ha với độ sâu từ 20-27m); gần các tuyến hàng hải lớn của quốc tế. Ngoài ra, khu Bắc Vân Phong còn có địa hình đa dạng, nhiều khu biệt lập có thể phát triển các dự án nghỉ dưỡng cao cấp; có lợi thế về kết nối giao thông với trong nước và quốc tế cả về đường bộ, đường không, đường biển. Hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2017 sẽ giúp việc kết nối của khu vực này với Phú Yên dễ dàng, trong đó có việc sử dụng sân bay Tuy Hòa phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Hiện tại, cơ sở hạ tầng thiết yếu ban đầu như điện, nước, hồ chứa nước… đã sẵn sàng; ngoài ra, một số tuyến giao thông chính, các khu tái định cư trong khu vực đã được đầu tư, có thể sẵn sàng đáp ứng một phần nhu cầu bước đầu của nhà đầu tư.

 

Ông Lê Đức Vinh bày tỏ quan điểm về việc xây dựng Đặc khu HC-KT Bắc Vân Phong.
Ông Lê Đức Vinh bày tỏ quan điểm về việc xây dựng Đặc khu HC-KT Bắc Vân Phong.
 
Với những lợi thế đó, lãnh đạo tỉnh đề nghị xây dựng đặc khu HC-KT Bắc Vân Phong và đã được Bộ Chính trị chấp thuận về mặt chủ trương. Theo đề án của tỉnh, Đặc khu HC-KT Bắc Vân Phong có tổng diện tích khoảng 66.000 ha, trong đó có 19.000 ha đất liền, các đảo và 47.000 ha mặt nước thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh.  Mục tiêu phát triển của Đặc khu HC-KT Bắc Vân Phong trở thành một trung tâm dịch vụ - du lịch lớn, hiện đại của khu vực và quốc tế; tạo động lực để phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo đó, Đặc khu HC-KT Bắc Vân Phong sẽ ưu tiên phát triển 4 nhóm ngành nghề: công nghiệp dịch vụ cảng biển và logistic;  dịch vụ tài chính quốc tế (ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính, bảo hiểm…) hướng tới hình thành trung tâm tài chính quốc tế; du lịch cao cấp có casino, khu giải trí đẳng cấp quốc tế; công nghiệp khoa học kỹ thuật công nghệ cao.
 
 Cần làm rõ ưu thế đặc thù 
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Trung ương sớm xây dựng và ban hành  Luật đơn vị HC-KT đặc biệt.  “Nên chọn xây dựng Luật chung cho 3 đặc khu HC-KT (Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc), kết hợp quy định một số nội dung, cơ chế, chính sách cho từng đơn vị”, ông Lê Đức Vinh bày tỏ. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh kiến nghị áp dụng mô hình chính quyền địa phương một cấp trực thuộc Trung ương  đối với Đặc khu HC-KT Bắc Vân Phong; nên chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để quy hoạch, đầu tư hạ tầng Đặc khu HC-KT Bắc Vân Phong, sau đó sẽ kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào triển khai dự án.  
 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng,  Đặc khu HC-KT Bắc Vân Phong gắn với quốc phòng an ninh, chiến lược phát triển kinh tế biển nên trong việc phát triển phải tính toán kỹ lưỡng. “Nếu phát triển thành trung tâm tài chính thì có cạnh tranh nổi với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không? Phát triển du lịch biển cao cấp và casino có vượt trội hơn các nước trong khu vực hay không ? Phát triển công nghiệp thì có làm thép được không, có phát triển công nghiệp ôtô hay công nghiệp phụ trợ, điện tử không?”, Phó Thủ tướng gợi ý. 

 

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

 

 
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh Khánh Hòa đã tích cực chủ động xây dựng Đề án Đặc khu HC-KT Bắc Vân Phong. Theo Phó Thủ tướng, trong việc xây dựng đề án, Khánh Hòa phải xác định ưu thế đặc thù của khu vực, từ đó xác định ngành nghề đặc thù tập trung tại đây, và từ đó mới đưa ra được chính sách đặc thù để phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần phải nghiên cứu, tham khảo các đặc khu trên thế giới, so sánh lợi thế với các đặc khu trong khu vực để lựa chọn định hướng phát triển phù hợp.  Liên quan đến vấn đề về tổ chức chính quyền của các đặc khu,  Phó Thủ tướng cho biết:  “Hiến pháp  quy định,  đặc khu do Quốc hội thành lập; có nghĩa là đặc khu không nằm trong tỉnh, huyện, xã nào cả mà trực thuộc Trung ương.  Còn việc, đặc khu có tương đương cấp tỉnh hay không,  chính quyền, công an, quân sự… như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ”.  Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo:  Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tư pháp … phối hợp với tỉnh Khánh Hòa để nghiên cứu tiếp, có chiều sâu, xác định rõ hình hài của Đặc khu HC-KT  Bắc Vân Phong. “Vấn đề luật chung cho 3 đặc khu hay luật riêng cho từng đặc khu; cách thức tổ chức chính quyền, quy chế hoạt động … cần phải được làm rõ để báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 3 năm 2017 và kịp trình Quốc hội trong phiến họp gần nhất”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
 
XUÂN THÀNH – VĂN KỲ