06:02, 28/02/2017

Phát triển nuôi trồng thủy sản: Cần tháo gỡ khó khăn

Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề phát triển không theo quy hoạch, môi trường nuôi bị ô nhiễm… Vì thế, rất cần những biện pháp hiệu quả để NTTS phát triển bền vững trong những năm tới.

Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề phát triển không theo quy hoạch, môi trường nuôi bị ô nhiễm… Vì thế, rất cần những biện pháp hiệu quả để NTTS phát triển bền vững trong những năm tới.


Không ít tồn tại


Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, trên địa bàn thành phố chỉ có quy hoạch chi tiết NTTS vùng mặt nước vịnh Cam Ranh đến năm 2015. Theo đó, xã Cam Bình có 187ha nuôi lồng bè, xã Cam Lập có 49ha nuôi vẹm xanh và 180ha trồng rong sụn, phường Cam Phúc Bắc có 52ha nuôi vẹm xanh. Riêng quy hoạch nuôi ao đìa thì chưa có, mặc dù diện tích NTTS trên đìa của địa phương hiện nay lên đến hơn 600ha. “Hiện nay, nghề NTTS mặt nước trên địa bàn TP. Cam Ranh phát triển tự phát với số lượng lớn, hơn 29.330 lồng. Mặc dù địa phương đã triển khai cắm mốc quy hoạch chi tiết, vận động người dân di chuyển lồng bè đến vùng quy hoạch nuôi lồng bè ở Cam Bình nhưng các hộ vẫn chưa thực hiện. Nguyên nhân là do khu vực quy hoạch ở vùng nước sâu, có sóng lớn, trong khi lồng bè hiện chưa đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, vùng quy hoạch lại nằm khá xa (hơn 5 hải lý)… khiến chi phí đầu tư của người dân tăng lên, việc quản lý lồng bè khó khăn hơn”, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết.

 

Người nuôi tôm trong tỉnh đang đối diện với nhiều khó khăn
Người nuôi tôm trong tỉnh đang đối diện với nhiều khó khăn


Qua tìm hiểu thực tế, vì các cơ sở NTTS trên địa bàn TP. Cam Ranh hầu hết phát triển tự phát nên không có phương án bảo vệ môi trường, không xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường, nhất là các hộ nuôi lồng bè… đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến nghề NTTS trên địa bàn. Thực tế, trong năm 2016, nhiều lần người nuôi cá bớp trên vịnh Cam Ranh đã phải trả giá đắt khi cá bớp chết hàng loạt do môi trường nước không đảm bảo. Trong khi đó, các hộ nuôi tôm hùm lồng bè ở địa phương cũng phải chịu cảnh thất thu vì tôm bệnh, chết rải rác.  


Tại huyện Vạn Ninh, việc NTTS không chỉ gặp khó do liên quan đến vấn đề quy hoạch, ô nhiễm môi trường nuôi mà còn nhiều vấn đề khác. Đơn cử tại vùng nuôi tôm trên bạt ở thôn Tuần Lễ hiện có khoảng hơn 40ha, mỗi năm, người dân nuôi 3 vụ tôm thẻ chân trắng, năng suất những vụ cao nhất lên đến 20 tấn/ha, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề con giống, thức ăn phục vụ nuôi trồng, đầu ra phụ thuộc vào các đầu nậu nên nông dân chịu thiệt thòi. Ngoài ra, vấn đề phát triển nóng con tôm trên cát ở khu vực này cũng đang để lại nhiều hệ lụy về môi trường. Trong khi đó, vùng nuôi lồng bè tại xã Vạn Thạnh chủ yếu nuôi tôm hùm và cá bớp, cao điểm có đến hơn 9.000 lồng nuôi cá bớp và 3.400 lồng nuôi tôm hùm; khó khăn lớn nhất của người nuôi là vấn đề ô nhiễm nguồn nước phục vụ NTTS, con giống và tiêu thụ thủy sản nuôi.


Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lĩnh vực NTTS của tỉnh hiện nay vẫn còn những tồn tại như: việc triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các quy định về quản lý chất lượng con giống, chất lượng sản phẩm nuôi trồng, quản lý vùng nuôi gặp nhiều khó khăn. Tại các vùng nuôi, hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ NTTS triển khai còn chậm; nguồn giống của một số loài đặc sản phụ thuộc vào tự nhiên hoặc nhập khẩu. Đặc biệt, chất lượng môi trường nuôi có dấu hiệu giảm sút; việc sử dụng thuốc, hóa chất trong NTTS chưa được kiểm soát và bị ảnh hưởng từ các trại giống, nuôi lồng bè, từ các khu dân cư, sản xuất thải trực tiếp ra biển.


Tìm hướng giải quyết

 

Theo dự thảo Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2035, riêng đối với NTTS, giai đoạn 2016 - 2025, diện tích nuôi sẽ duy trì ổn định 3.900ha, trong đó diện tích nuôi nước mặn đạt 3.050ha, nước ngọt 850ha. Phấn đấu đến năm 2020, NTTS chiếm 36% trong tổng số 8.400 tỷ đồng giá trị sản xuất của ngành thủy sản; đến năm 2025, NTTS chiếm 37% trong 9.900 tỷ đồng giá trị sản xuất của ngành thủy sản… Để thực hiện được các mục tiêu trên, nhiều giải pháp đã được xây dựng, trong đó đáng chú ý có các giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển NTTS, xây dựng thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học kỹ thuật; bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện quy hoạch…

Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh kiến nghị: “Khó khăn lớn nhất trong NTTS trên địa bàn huyện hiện nay là đầu ra cho sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên bấp bênh. Riêng đối với nuôi lồng bè, cuối năm 2016, thủy triều đỏ đã gây thiệt hại lớn đối với người dân. Địa phương kiến nghị tỉnh quan tâm giải quyết một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng các cơ sở sản xuất giống, thức ăn, chế biến thủy sản, cải thiện môi trường nuôi…”. Trong khi đó, lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh kiến nghị tỉnh nghiên cứu để cải thiện môi trường vịnh Cam Ranh. Bên cạnh đó, cần khảo sát, bổ sung quy hoạch vùng mặt nước nuôi trồng trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu của người dân.


Theo ông Nguyễn Như Đào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở NTTS cần ban hành các quy định về điều kiện sản xuất, tiêu chí đối với vùng NTTS tập trung, chú trọng các quy định về sử dụng tài nguyên nước và xử lý chất thải trong NTTS để hạn chế ô nhiễm môi trường. Một giải pháp quan trọng là phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch các vùng nuôi tập trung và có quy hoạch mới theo hướng đáp ứng các quy định về môi trường. Đối với những vùng nuôi tập trung đã bị ô nhiễm, cần thực hiện cải tạo hoặc chuyển đổi đối tượng nuôi hợp lý; cần khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước trong NTTS; khuyến khích người dân áp dụng nuôi luân canh, nuôi kết hợp, sử dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nước, hạn chế xả thải, đảm bảo an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.


Được biết, để ngành thủy sản phát triển toàn diện, bền vững và trở thành ngành sản xuất hàng xuất khẩu lớn, có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2035 đang được cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thiện để trình UBND tỉnh thông qua trong tháng 3-2017.


HẢI LĂNG