09:02, 19/02/2017

Sầu riêng đổ bệnh

Người trồng sầu riêng ở huyện Khánh Vĩnh đang đối mặt với bệnh xì mủ do nấm, lần đầu phát sinh sau hơn 10 năm trồng loại cây này.

Người trồng sầu riêng ở huyện Khánh Vĩnh đang đối mặt với bệnh xì mủ do nấm, lần đầu phát sinh sau hơn 10 năm trồng loại cây này.


Ông Đặng Ơn (thôn Tây, xã Sông Cầu) cho biết, vườn sầu riêng của ông chết khô tới 80%. Cơn mưa cuối năm 2016 dứt một tháng thì sầu riêng đổ bệnh. Cây khô héo, lá rụng và chết. Trên thân cây xuất hiện các vết chảy mủ nhưng do mưa kéo dài nên ông không thể xịt thuốc khiến bệnh càng nặng. Với 1,3ha sầu riêng, mỗi năm, ông Ơn thu nhập 150 - 160 triệu đồng, nhưng năm nay số cây chết nhiều, khả năng thất thu lớn.

 

Nhiều gốc sầu riêng đã chết khô
Nhiều gốc sầu riêng đã chết khô


Vườn sầu riêng của ông Nguyễn Thanh Bửu gần đó cũng trong tình trạng tương tự với 120 cây mắc bệnh, một số cây có biểu hiện chết khô. Ông Bửu cho hay, triệu chứng xì mủ khô cành là dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh, song việc điều trị gặp nhiều khó khăn, phần vì mưa nhiều ảnh hưởng đến việc hấp thu thuốc của cây, phần vì nông dân chưa quen với việc điều trị bệnh này nên bệnh kéo dài. Ông kết hợp dùng các loại thuốc diệt nấm như: Agri-Fos 400, Anvil 5SC với các loại có nguồn gốc sinh học như Wehg thì thấy bệnh tạm ngưng. Nhưng theo kinh nghiệm của ông, nếu không diệt được con mọt (giống con nhộng) thì bệnh vẫn tái phát.


Các vườn sầu riêng tại xã Khánh Thành cũng mắc bệnh này. Ông Lê Trần Tiến Dũng (thôn Tà Mơ) cho hay, bệnh xuất hiện tại 2ha sầu riêng đã cho trái. Ông Dũng dùng phối hợp các loại thuốc diệt nấm thì thấy bệnh ngưng. Theo ông, đây là bệnh do nấm nên thích hợp trong môi trường ẩm ướt, mưa nhiều. Các giải pháp trước mùa mưa như: rong tỉa cành, vệ sinh vườn có tác dụng hữu hiệu trong việc ngăn chặn mầm bệnh phát sinh. Ngoài ra, cần bón thêm các loại phân hữu cơ, phân sinh học, vi lượng góp phần tăng sức đề kháng cho cây. Hiện nay, một số người trồng sầu riêng dùng loại phân sinh học Wehg, có kết quả bước đầu nhưng cần tiếp tục theo dõi vì Khánh Vĩnh có nhiều vườn sầu riêng tuổi thọ hơn 10 năm nên mức độ đáp ứng thuốc không đồng đều.


Ông Phạm Văn Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Cầu cho biết, đến thời điểm này, bệnh đã xuất hiện tại các thôn, chủ yếu trên giống sầu riêng Ri 6 vào thời kỳ cho thu hoạch, số lượng cây chết nhiều, một số vườn chết 80 - 90%. Hội Nông dân xã kiến nghị ngành Bảo vệ thực vật tiến hành kiểm tra, hướng dẫn cách điều trị để kịp thời ngăn chặn bệnh. Hội Nông dân sẽ làm văn bản báo cáo các cấp chính quyền xin ý kiến chỉ đạo, xử lý…


Theo ông Lê Thành Luận - Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Vĩnh, năm nay, do thời tiết mưa nhiều, kéo dài, độ ẩm cao làm phát sinh bệnh nấm thối gốc chảy mủ sầu riêng do Phytopthora, gây thiệt hại cho một số vườn sầu riêng trên địa bàn. Bệnh phát sinh còn do người dân trồng với mật độ dày, lại không quan tâm tỉa cành, cắt tán, vệ sinh diệt mầm bệnh nên tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Mặt khác, do việc đầu tư chưa đúng mức, chưa bảo đảm cân đối các yếu tố dinh dưỡng nên sức đề kháng của cây yếu, dễ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, diện tích cây nhiễm bệnh nặng không lớn, chỉ khoảng 3 - 4ha, bởi bệnh phát triển chủ yếu trên cây sầu riêng đã cho thu hoạch. Hiện nay, toàn huyện có 80ha cây sầu riêng, trong đó số cho thu hoạch là 20ha. Trạm đã tiến hành kiểm tra và hướng dẫn nông dân chi tiết cách phòng trừ, song nhiều người vẫn dựa vào kinh nghiệm để điều trị nên hiệu quả chưa cao. Chính quyền, đoàn thể các xã cần vận động người dân làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, không nên làm theo kinh nghiệm vì như thế sẽ thiệt hại lớn.


P.L