Với nhiều ưu thế so với tôm hùm bông, hiện nay, tôm hùm xanh đang là đối tượng nuôi được nhiều người dân ở TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) lựa chọn.
Với nhiều ưu thế so với tôm hùm bông, hiện nay, tôm hùm xanh đang là đối tượng nuôi được nhiều người dân ở TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) lựa chọn.
Khi chúng tôi đến, ông Trương Văn Khang (phường Cam Linh) đang chuẩn bị lồng để kịp thả giống tôm hùm xanh vụ mới. “Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều người dân trên địa bàn phường Cam Linh nuôi tôm hùm xanh. Tuy giá thấp hơn tôm hùm bông, nhưng vì loài này dễ nuôi nên được nhiều người lựa chọn”.
Tôm hùm bông không còn là sự lựa chọn duy nhất của người nuôi tôm ở Cam Ranh |
Bà Nguyễn Thị Châu Pha - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh cho biết, trên địa bàn phường có 87 hộ nuôi tôm hùm, với hơn 1.000 lồng, trong đó chủ yếu là tôm hùm xanh. Qua thực tế nuôi tôm của người dân, tôm hùm xanh có nhiều ưu điểm hơn so với tôm hùm bông như: giá tôm thương phẩm ổn định, tôm giống dễ mua, giá rẻ (cao nhất khoảng 80.000 đồng/con, tôm hùm bông có thời điểm hơn 300.000 đồng/con); thời gian nuôi ngắn, thu hồi vốn nhanh, chỉ khoảng 8 - 12 tháng (tôm hùm bông khoảng 14 - 15 tháng). Không chỉ vậy, thức ăn cho tôm hùm xanh đơn giản, giá thành thấp (chỉ bằng 50% so với giá thức ăn cho tôm hùm bông). Tôm hùm xanh cũng ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn tôm hùm bông. Chính vì vậy, tôm hùm xanh đang chiếm được sự tin tưởng của người nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Tại xã Cam Bình, tôm hùm xanh cũng là đối tượng nuôi được nhiều hộ lựa chọn để thay thế tôm hùm bông. Ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình chia sẻ: “Nuôi trồng thủy sản là động lực để phát triển kinh tế của xã Cam Bình; trong đó tôm hùm là đối tượng nuôi chính của địa phương. Trước đây, người dân chủ yếu nuôi tôm hùm bông thì nay đã chuyển sang nuôi tôm hùm xanh. Toàn xã có 1.300 hộ, trong đó có đến 95% hộ nuôi tôm hùm, số lồng nuôi lên đến 4.600 lồng, sản lượng ước tính năm 2016 hơn 200 tấn tôm thịt, trong đó hơn 70% là tôm hùm xanh. Hiện nay, tranh thủ thời tiết đang thuận lợi, người dân đang tiếp tục thả nuôi vụ mới”.
Ông Diệp Chân Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình, một trong những hộ nuôi tôm ở thôn Bình Ba Tây cho hay: “Tôm hùm xanh tuy giá trị thấp hơn tôm hùm bông (giá bán cao nhất khoảng 800.000 đồng/kg, chỉ bằng khoảng 50 - 60% so với tôm hùm bông) nhưng dễ nuôi, ít bị biến động giá và chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn, rủi ro ít. Gia đình tôi có 10 lồng nuôi tôm hùm thì 100% là tôm hùm xanh, với tổng cộng 3.000 con. Vừa qua, sau khi xuất bán tôm, trừ chi phí tôi lãi hơn 200 triệu đồng”.
Tôm hùm bông không còn là sự lựa chọn duy nhất của người nuôi tôm ở Cam Ranh |
Ở Cam Bình, anh em ông Nguyễn Văn Quang là một trong những hộ nuôi tôm nhiều của địa phương. Ông Quang cho hay, sau vụ nuôi tôm hùm xanh trúng lớn cuối năm 2016, năm nay anh em ông thả nuôi khoảng 16.000 con tôm giống, trong 55 lồng, tiền đầu tư con giống, thức ăn và nhân công khoảng 3 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hương - cán bộ khuyến nông - khuyến ngư - khuyến lâm TP. Cam Ranh cho biết: “Trong số gần 30.000 lồng nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh, tôm hùm có đến 29.300 lồng, trong đó khoảng 70 - 80% là tôm hùm xanh. Thực tế, tôm hùm xanh được người dân nuôi trong khoảng 5 năm qua, nhưng rộ lên trong 2 năm nay, tập trung chủ yếu tại: Cam Bình, Cam Linh, Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam, Cam Phú… Hiện nay, tại một số vùng nuôi, tôm hùm xanh đang có hiện tượng tôm khoảng 1 - 2 tháng chết rải rác, địa phương đang nắm bắt tình hình để hỗ trợ kỹ thuật cho người dân”.
Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, chúng tôi được biết, một vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay đối với nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh là môi trường đã bị ô nhiễm, thậm chí qua khảo sát một số địa điểm bùn lắng đọng dày đến 30 - 40cm. Dịch bệnh trên thủy sản nuôi đã xảy ra ở một số địa phương, trong đó có con tôm hùm. Do đó, ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm, nghiên cứu, hướng dẫn nên nuôi con gì để cải thiện môi trường nước trong vịnh Cam Ranh. Mặt khác, nuôi trồng thủy sản ở Cam Ranh hiện nay phát triển tự phát, với số lồng nuôi lớn, nên việc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tại Cam Bình với diện tích 187ha không thể đáp ứng được nhu cầu nuôi của người dân. Vì vậy, cần khảo sát lại khu vực mặt nước vịnh Cam Ranh để bổ sung quy hoạch vùng nuôi lồng bè, đáp ứng nhu cầu của người dân các địa phương ven biển.
BÍCH LA