10:01, 12/01/2017

Làng nghề Phú Lộc Tây: Vào vụ sản xuất Tết

Làng nghề làm bánh tráng, bánh in, đúc đồng ở tổ dân phố Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đang tất bật vào vụ sản xuất để cung ứng cho thị trường Tết.

Làng nghề làm bánh tráng, bánh in, đúc đồng ở tổ dân phố Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đang tất bật vào vụ sản xuất để cung ứng cho thị trường Tết.


Hơn 3 giờ chiều, chị Trần Thị Mai vẫn còn đi phơi bánh tráng. Trong nhà, 2 bếp tráng bánh đỏ lửa, 4 người thợ thay nhau tráng, vớt bánh và đem phơi. Hai người cháu được huy động gỡ bánh, xếp bánh từng ràng để giao cho khách hàng. Cứ thế, mỗi người một việc, ai nấy đều làm không nghỉ tay. Theo chị Mai, những ngày này, gia đình chị sản xuất khoảng 4.000 bánh/ngày, tăng gần 40% so với ngày thường. Để có bánh kịp giao cho bạn hàng, cả nhà đều thức dậy từ 3 giờ sáng làm đến 8 giờ tối. Trừ chi phí, tiền nhân công, mỗi ngày gia đình chị lời khoảng 300.000 đồng.

 

Lò bánh của gia đình chị Hồng
Lò bánh của gia đình chị Hồng


Cách đó không xa, lò bánh tráng của 2 chị em Trần Thị Mười và Trần Thị Hồng cũng đỏ lửa từ sáng đến tối. Bên lò bánh, chị Mười thoăn thoắt tráng bánh, vớt bánh. Chị Hồng phụ đổ trấu vào lò, đưa bánh ra liếp, mang ra sân phơi. Cứ thế, chỉ một lúc, khoảng sân trước nhà đã chật kín những liếp bánh. Chị Hồng cho biết, bánh tráng của làng được làm quanh năm, nhưng từ giữa tháng 11 âm lịch, cả làng mới chính thức bước vào vụ Tết và sản xuất cho đến hết ngày 20 tháng Chạp âm lịch. Tuy nhiên, năm nay do mưa lụt kéo dài nên làng vào vụ trễ hơn 1 tuần. Ngày thường, gia đình chị Hồng làm khoảng 30kg gạo, những ngày này phải tăng thêm khoảng 20kg. Giá bán 1 ràng bánh tráng (hơn nửa kg) tại lò từ 29.000 - 30.000 đồng, tăng 5.000 đồng so với năm ngoái.


Tại tổ dân phố Phú Lộc Tây có khoảng 40 hộ làm nghề bánh tráng. Dịp Tết, người dân nơi đây phải tăng công suất lên gần gấp đôi ngày thường. Tuy nhiên, theo nhiều chủ lò, hiện nay lượng bánh sản xuất ra đáp ứng không đủ nhu cầu của bạn hàng.


Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây cũng đang khẩn trương vào vụ Tết. Ông Biện Cư, một trong những nghệ nhân gắn bó lâu năm với nghề cho biết, bình thường mỗi tháng, gia đình ông làm khoảng 50 bộ đồ thờ cúng (gồm: chân đèn, lư hương, cổ bồng, đài hoa). Dịp Tết, gia đình ông làm gấp đôi. Năm nay, do giá đồng, chất đốt tăng nên mỗi bộ đồ thờ cúng tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Mỗi bộ hiện có giá bán từ 2,5 triệu đồng trở lên tùy loại và kích cỡ. Ngoài sản xuất và gia công bộ đồ thờ cúng, từ ngày 23 tháng Chạp, nhiều gia đình ở làng còn nhận đánh bóng đồ thờ cúng cũ với giá 50.000 đồng/bộ.


Cùng với những hộ làm bánh tráng, đúc đồng, các hộ làm bánh in ở làng nghề Phú Lộc Tây như: hộ ông Bảy Cường, bà Sáu Nở, bà Hai Mận... cũng đang tất bật với việc sản xuất. Phía sau nhà, nơi gia đình ông Bảy Cường dùng để sản xuất bánh in, các bao nguyên liệu như: bột nếp, đường, gừng được chất cao ở một góc. Phía bên này, gần chục thợ trộn, nhào bột, vô khuôn, cán, cắt, gói bánh không ngơi tay. Ông Bảy Cường cho biết, những ngày này là cao điểm các mối tới lấy hàng nên thợ hay chủ đều phải xắn tay vào làm, có ngày phải làm tăng ca đến tối mới nghỉ. Nghề này chỉ làm vào dịp Tết, thời gian vào vụ khoảng cuối tháng 11 âm lịch đến 20 tháng Chạp. Năm nay, gia đình ông sản xuất khoảng 30.000 lốc (mỗi lốc 6 cái) bánh in cỡ bé, trung, lớn. Tùy theo kích cỡ, giá bán mỗi lốc từ 20.000 - 60.000 đồng.


Được biết, hơn 15 năm trước, ở làng nghề Phú Lộc Tây có rất nhiều gia đình làm bánh in, nhưng vài năm trở lại đây chỉ còn 4 - 5 hộ theo nghề này, một số hộ chuyển sang sản xuất các tháp bánh làm bằng đông sương, các loại nước ngọt có trang trí hoa văn để chưng trên bàn thờ. Bỏ nghề sản xuất bánh in được 2 năm, chị Nguyễn Hồng Dung cho biết do giá bột nếp, đường, nhân công mỗi năm đều tăng, thêm vào đó nghề bánh in làm cực, lời ít và chỉ “sống” được vào những ngày Tết nên gia đình chị chuyển nghề. “Sống bằng nghề sản xuất tháp làm bằng đông sương, các loại nước ngọt cho thu nhập như nghề làm bánh in nhưng nhàn hơn nhiều. Sức mình làm được bao nhiêu thì làm, không phải lo mua, đặt nguyên liệu đầu vào, tìm kiếm nhân công”, chị Dung chia sẻ.


T.L