Sau một thời gian phát triển, bưởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã chính thức đi theo mô hình sản xuất an toàn, người dân vẫn gọi nôm na là bưởi VietGAP.
Sau một thời gian phát triển, bưởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã chính thức đi theo mô hình sản xuất an toàn, người dân vẫn gọi nôm na là bưởi VietGAP.
Phát triển nhanh
Vườn bưởi của ông Lê Văn Chừng (thôn Suối Lách, xã Khánh Trung) đang vào vụ thu hoạch. Trên vườn đồi rộng độ 1ha, ông Chừng trồng khoảng 220 cây bưởi da xanh. Ông chia sẻ: “Đến nay, tôi đã trồng được 9 sào bưởi da xanh, cho hiệu quả gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa hay rẫy tạp. Một cây bưởi đang độ thu hoạch sung nhất có thể mang về cho người trồng từ 3 đến 4 triệu đồng tiền bán quả trong 1 năm. Mình chỉ lo vun trồng cho tốt, đầu ra đã có người vào tận vườn thu mua, giá cả dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, cao điểm có thể lên đến 50.000 đồng/kg. Sau ít năm, tôi đã có thể tích cóp, mở rộng diện tích sản xuất thêm 1ha nữa”.
Đơn vị kinh doanh đến tìm hiểu sản phẩm bưởi da xanh tại hộ ông Lê Văn Chừng (bên trái) |
Ông Lê Văn Giỏi (xã Khánh Nam) là một trong những người tiên phong trồng bưởi da xanh ở vùng đất Khánh Vĩnh. Với 1,5ha bưởi đang cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, ông Giỏi thu về khoảng 500 triệu đồng. Ông cho biết: “Loại bưởi này rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết ở Khánh Vĩnh nên cây cho quả to, khi chín trái bưởi vẫn xanh, rất đẹp mắt. Đặc biệt là chất lượng bưởi rất tốt, vị thanh ngọt, được thị trường ưa chuộng nên thu hoạch tới đâu bán hết tới đó. Ngoài 1,5ha đang cho thu hoạch, tôi tiếp tục mở rộng diện tích thêm khoảng 1ha nữa”.
Đa số những người trồng bưởi ở Khánh Vĩnh ban đầu trồng ít, sau đó tích lũy vốn rồi mở rộng quy mô sản xuất. Những rẫy mì, bắp dần được thay thế bằng cây bưởi da xanh. Vì thế, mặc dù bén duyên với mảnh đất Khánh Vĩnh chưa lâu nhưng cây bưởi da xanh đã khẳng định tính ưu việt và nhanh chóng trở thành “cây thoát nghèo” của hàng nghìn hộ nơi đây. Chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, từ một vài hộ ban đầu trồng bưởi theo kiểu thử nghiệm, đến nay trên toàn huyện đã có tới 230ha bưởi da xanh. Hiện nay, có khoảng 1/3 diện tích đó đã cho thu hoạch, phần còn lại đang là bưởi một vài năm tuổi. Theo tính toán, mỗi héc-ta bưởi hàng năm cho khoảng 46 tạ quả, với giá thành từ 30.000 đến 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng bưởi có thể thu về hàng trăm triệu đồng.
Khi đã khẳng định tính phù hợp và mang lại hiệu quả cao cho người dân, bưởi da xanh là một cây trồng chủ lực trong định hướng chung của ngành nông nghiệp tỉnh. Điều này được thể hiện trong Quy hoạch tổng thể phát triển nông, lâm, ngư nghiệp tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh, mục tiêu là chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở một số vùng phù hợp. Trong đó, các huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Sơn ưu tiên phát triển cây ăn quả và cây công nghiệp, bưởi da xanh là một lựa chọn ưu tiên. Còn nghị quyết về Đề án cơ cấu cây trồng chủ lực định hướng đến năm 2020 của HĐND huyện Khánh Vĩnh xác định, đến năm 2020, quy hoạch 1.200ha cây ăn quả chủ lực, trong đó bưởi da xanh chiếm một diện tích đáng kể.
Theo lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh, xác định bưởi da xanh là cây trồng chủ lực nên trong năm 2016, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho huyện. Ngoài ra, huyện cũng đã bố trí nguồn kinh phí đầu tư trước mắt cho xã Sông Cầu, sau đó đến 2 xã Khánh Đông và Khánh Phú. Các nguồn vốn hỗ trợ đang tập trung đầu tư vào các khâu thủy lợi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm kiếm phát triển thị trường, đổi mới tổ chức sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực và chính sách đầu tư… nhằm nâng tầm cây bưởi. Mục tiêu để đưa Khánh Vĩnh trở thành một địa phương chuyên canh cây ăn quả nói chung và cây bưởi da xanh nói riêng.
Xây dựng thương hiệu
Quá trình phát triển thương hiệu bưởi da xanh được khởi phát từ việc hình thành Hợp tác xã (HTX) sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh. Cùng với xoài và sầu riêng, cây bưởi da xanh của HTX đã được đưa vào mô hình chuỗi cung cấp trái cây an toàn theo VietGAP. Dự án này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Khánh Vĩnh phối hợp xây dựng, được thực hiện đối với 23 hộ trồng cây ăn quả tại 4 xã gồm: Khánh Đông, Khánh Trung, Sông Cầu và Khánh Thành. Đây cũng là 23 thành viên nòng cốt của HTX sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh. Sau một thời gian dài áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, vào cuối tháng 12-2016, 3 sản phẩm của HTX là bưởi da xanh, sầu riêng và xoài trên diện tích 47,2ha đã chính thức được chứng nhận VietGAP, trong đó có hơn 30ha bưởi da xanh. Theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, thực tế đã chứng minh huyện Khánh Vĩnh có điều kiện thổ nhưỡng, đất đai phù hợp cho trồng cây ăn quả. Trước đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, việc trái cây Khánh Vĩnh đi theo hướng an toàn, bền vững là một bước tiến dài trong quá trình phát triển. Đó không chỉ là việc cung ứng ra thị trường sản phẩm ngon, sạch, chất lượng cao, mà còn giúp cho người dân thay đổi tư duy sản xuất.
Trong lần tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất bưởi da xanh VietGAP tại Khánh Vĩnh, bà Phương Thị Nhung, đại diện siêu thị Co.opmart cho biết: “Hiện nay, siêu thị đang nhập bưởi từ một số tỉnh phía nam. Khi bưởi da xanh Khánh Vĩnh đạt chuẩn VietGAP, chúng tôi mong muốn sẽ là đối tác lâu dài, ổn định với HTX sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh”. Còn ông Phạm Hoàng Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Biển Việt, đơn vị sở hữu siêu thị thực phẩm sạch 3F (TP. Nha Trang) cho biết: “Hiện nay, yếu tố chất lượng và an toàn được người dùng đặc biệt coi trọng. Với các loại trái cây chất lượng, an toàn được sản xuất tại Khánh Vĩnh, chúng tôi đã sẵn sàng hợp tác với HTX trong khâu tiêu thụ sản phẩm”...
Có thể thấy, trái bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh đang nhận được không ít sự “ưu ái” nhằm phát triển lên một tầm cao mới. Ở đó, ngoài yếu tố thiên thời, địa lợi, còn có sự quan tâm sát sao của các cấp, ngành, sự kỳ vọng từ các đơn vị kinh doanh. Với việc hình thành HTX sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh, đó chính là bàn đạp cho bước phát triển mới của cây bưởi da xanh trên đất Khánh Vĩnh.
H.Đ