05:01, 10/01/2017

Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.


Theo đó, đề án đã đề ra mục tiêu cụ thể: đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại các điểm bán; nâng dần số lượng, giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ. Đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm. Bên cạnh đó, thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 (100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng). Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy Tài chính toàn diện (Financial Inclusion); tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.


Một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là nghiên cứu triển khai một số biện pháp hành chính kết hợp với các biện pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế nhằm phát triển thanh toán điện tử.


Cụ thể, nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách để khuyến khích thanh toán điện tử trong việc: thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ như: điện, nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp; triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử mới; khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt giữa thanh toán bằng tiền mặt với các phương tiện thanh toán điện tử.


Ngoài ra, rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán; xem xét bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh phải mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thực hiện các giao dịch thanh toán; ban hành quy định giao dịch mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị lớn (như: ô tô, xe máy, tàu thuyền,…) thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.


Giải pháp khác của đề án là xây dựng, phát triển các hệ thống và dịch vụ thanh toán bán lẻ như: tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ; xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH); hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng; phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.


Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai, theo dõi thực hiện các giải pháp trong đề án, hàng năm tổng hợp tình hình triển khai và đề xuất các giải pháp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tổng kết vào cuối năm 2020; chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực của mình phụ trách.


T.A (Theo Chinhphu.vn)