10:11, 28/11/2016

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp: Công cụ "mềm" để phát triển

Hiện nay, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2017 - 2020 đang được xây dựng. Để tiếp cận được các chính sách này, điều kiện tiên quyết là quy mô sản xuất phải đủ lớn.

Hiện nay, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2017 - 2020 đang được xây dựng. Để tiếp cận được các chính sách này, điều kiện tiên quyết là quy mô sản xuất phải đủ lớn. Đây được coi là một công cụ “mềm” để đẩy mạnh hơn nữa hình thức dồn điền đổi thửa, liên kết trong sản xuất của nông dân.

Đa dạng và nâng mức hỗ trợ


Giai đoạn 2013 - 2015, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn qua chỉ dừng lại ở hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi với quy mô không quá 10 triệu đồng/hộ. Vì thế, tình hình sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều vùng chuyên canh tập trung đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến, tiêu thụ nông sản với quy mô hàng hóa.

 

Một vùng sản xuất tỏi ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh
Một vùng sản xuất tỏi ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh


Hiện nay, UBND tỉnh và các ngành chức năng đang tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2017 - 2020, trình HĐND tỉnh xem xét quyết định. Theo đó, chính sách mới không chỉ nâng mức hỗ trợ mà còn bao phủ hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Với hoạt động chuyển đổi cây trồng, người dân được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tới 5 triệu đồng/ha đối với cây hàng năm và 15 triệu đồng/ha đối với cây ăn quả. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi cây trồng còn được hỗ trợ 30% kinh phí vật tư xây dựng mới hệ thống tưới nước tiết kiệm, tự động để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, một đề án hoặc phương án sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản được UBND tỉnh phê duyệt, ngoài 30% kinh phí xây dựng hệ thống tưới kể trên, doanh nghiệp còn được hỗ trợ 50% kinh phí cải tạo đồng ruộng, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất trong dự án cánh đồng lớn. Tương tự khi ứng dụng công nghệ cao, hay khi đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao, áp dụng VietGAP hoặc tương đương, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ 50% chi phí xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới. Mức hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng.


Với lĩnh vực chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, tùy từng hạng mục sẽ có các hình thức hỗ trợ. Chẳng hạn, các dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được hỗ trợ ít nhất 100 triệu đồng. Với các dự án xây mới là 800 triệu đồng. Chưa kể 70% kinh phí đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án, tối đa 2 tỷ đồng cho mỗi dự án. Lĩnh vực này còn được hỗ trợ kinh phí vận chuyển sản phẩm sau giết mổ trong vòng 1 năm, miễn tiền thuê mặt bằng để đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ trong 3 năm…


Quy mô phải đủ lớn mới được hỗ trợ


Những năm qua, mức độ phát triển ngành nông nghiệp đang bị kìm hãm bởi nguyên nhân chính là do hoạt động sản xuất nông nghiệp còn quá manh mún, nhỏ lẻ. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng chính sách, các nhà hoạch định đã đặt ra điều kiện để được hỗ trợ đó là quy mô, diện tích sản xuất phải đủ lớn.


Chẳng hạn chuyển đổi cây trồng phải là 2ha đối với cây hàng năm và 5ha đối với cây lâu năm. Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản phải được thực hiện trên một diện tích nhất định mới có thể được hỗ trợ, trong đó phải là 20ha đối với cây công nghiệp ngắn ngày, 15ha cây lâu năm, 10ha cây lương thực, 3ha cây dược liệu và 2ha cây thực phẩm. Hay như áp dụng công nghệ cao phải trên một vùng 2ha đối với cây rau và 5ha cây lâu năm… Trong chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi nằm trong quy hoạch phải đạt quy mô đối với nuôi bò là 30 con, heo 100 con hoặc 4.000 con gà trở lên mới được xem xét hỗ trợ…


Nhiều người cho rằng, trong thực tế, số hộ có đủ diện tích cây trồng hay số lượng vật nuôi để đạt điều kiện thụ hưởng các chính sách trên rất ít. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người dân có thể liên kết với nhau để tạo nên các mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn, đủ điều kiện để được hỗ trợ.


H.Đ