Những năm gần đây, người nuôi heo sinh sản tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang chuyển mạnh sang nuôi bằng chuồng sàn, bởi hiệu quả mà nó mang lại cao hơn cách nuôi truyền thống.
Những năm gần đây, người nuôi heo sinh sản tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang chuyển mạnh sang nuôi bằng chuồng sàn, bởi hiệu quả mà nó mang lại cao hơn cách nuôi truyền thống.
Nhiều lợi ích
Trước đây, ông Nguyễn Văn Trung (thôn Vĩnh Thái, xã Cam Hiệp Nam) thường nuôi heo thịt; nhưng hơn 1 năm nay, ông đã chuyển sang nuôi heo sinh sản và ứng dụng cách nuôi bằng chuồng rửa sàn sau khi tham khảo các tài liệu trên mạng Internet. Ông Trung cho biết, nuôi chuồng sàn có nhiều ưu thế: heo con đỡ bệnh lặt vặt, đặc biệt là các bệnh tiêu chảy, hô hấp, tăng trọng nhanh, giảm hao hụt, chết… so với cách nuôi truyền thống; heo mẹ khỏe, khó đè con; việc vệ sinh chuồng trại nhanh chóng, giảm được công lao động so với kiểu nuôi truyền thống. Ngoài ra, việc nuôi cũng không chiếm nhiều diện tích, bình quân 4,5m2/con nái, khả năng hoàn vốn nhanh, chỉ trong vòng 1 năm đã có lãi.
Nuôi heo sinh sản bằng chuồng sàn phát triển mạnh |
Một kiểu chuồng khác có suất đầu tư cao hơn là chuồng sàn toàn bộ, phù hợp với hộ có tiềm lực tài chính. Bà Lưu Thị Thúy Liên (thôn Cửa Tùng, xã Cam An Bắc) đầu tư kiểu chuồng này hơn 1 năm nay. Chuồng nuôi heo sinh sản của bà thoạt nhìn giống như một trang trại với hàng dãy chuồng sàn toàn bộ, tất cả đều nằm trên sàn, thoát nước tốt. Bà cho biết, quy mô chuồng là 30 con nái, vốn đầu tư gần 400 triệu đồng. Ngoài đầu tư chuồng trại, bà còn xây hầm biogas 20m3, đủ khả năng xử lý chất thải của số heo mẹ và heo con. Nuôi chuồng kiểu này có nhiều lợi thế hơn, bởi ngay từ đầu heo mẹ, heo con đã ở trên sàn, ngăn ngừa được ẩm ướt phát sinh bệnh do tiếp xúc với nền xi măng và không cần di chuyển heo con sau khi sinh.
Xu thế tất yếu
Ông Nguyễn Văn Bình - nhân viên thú y xã Cam An Bắc cho hay, việc đầu tư các dạng chuồng sàn đang là khuynh hướng mới trong nuôi heo sinh sản tại địa phương. Toàn xã có 2 hộ nuôi chuồng sàn toàn bộ và hàng chục hộ nuôi theo hướng nửa sàn, nửa tiếp đất. Sở dĩ các hộ mạnh dạn chuyển đổi là bởi, nuôi heo con kiểu truyền thống rất khó chăm sóc, có khi heo mẹ đè heo con, nền chuồng thường xuyên ẩm ướt, dễ phát sinh dịch bệnh. Được biết, xã Cam An Bắc hiện nay có tổng đàn heo hơn 3.500 con, trong đó nghề nuôi heo sinh sản phát triển tốt, tạo thu nhập ổn định cho người nuôi.
Theo lãnh đạo Trạm Chăn nuôi thú y huyện Cam Lâm, nhu cầu ngày càng cao về con giống có chất lượng và chăn nuôi an toàn đã dần thay đổi ý thức của người chăn nuôi. Qua đó, giảm hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại thô sơ, thức ăn tận dụng sang chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, chủ động nguồn giống, sử dụng thức ăn công nghiệp, thực hiện tiêm phòng đầy đủ đã làm giảm tối thiểu dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Hiện nay, mô hình chăn nuôi heo sinh sản được các hộ trên địa bàn phát triển mạnh, ứng dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật, đem lại nguồn thu nhập khá.
Qua thống kê, địa bàn huyện có hơn 3.900 heo nái sinh sản, trong đó có 50 hộ quy mô 10 - 50 nái; 10 hộ quy mô trên 50 nái, còn lại là quy mô 3 - 10 nái, tự sản xuất giống để nuôi thương phẩm và kinh doanh giống. Có khoảng 1/3 số hộ nuôi heo sinh sản chuyển sang nuôi chuồng sàn, tập trung nhiều nhất tại các xã: Cam Tân, Cam Hòa, Cam Thành Bắc và Cam An Bắc.
Ông Lê Ngọc Tú - Trưởng Trạm Chăn nuôi thú y huyện Cam Lâm lý giải, Cam Lâm là địa phương có ngành chăn nuôi heo phát triển từ khá lâu, tổng đàn có khi lên đến 1/3 số lượng toàn tỉnh. Hiện nay, tổng đàn heo trên địa bàn hơn 100.000 con. Các đợt dịch heo tai xanh những năm trước, Cam Lâm thiệt hại nặng, làm giảm tổng đàn nái. Cam Lâm cũng là địa phương có phong trào nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi nước ngoài phát triển, với nhiều trang trại lớn, vì thế Cam Lâm đi đầu trong xu hướng chuyển đổi này là tất yếu.
V.L