Dồn điền, đổi thửa là hướng đi đang được xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) triển khai nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới...
Dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là hướng đi đang được xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) triển khai nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (XDNTM)…
Người dân đồng thuận
Xã Vạn Lương được huyện Vạn Ninh chọn làm điểm về XDNTM, do vậy, một trong những yêu cầu đặt ra là quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, sắp xếp lại ruộng đất, tạo tiền đề để hiện đại hóa nông nghiệp. Ông Ngô Xuân Phúc, Chủ tịch UBND xã Vạn Lương cho biết, khi bắt tay thực hiện DĐĐT, Đảng ủy xã có nghị quyết chuyên đề, UBND xã xây dựng phương án về DĐĐT gắn với quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng. “Bước đầu, chúng tôi làm thí điểm trên diện tích hơn 13ha ở khu vực xứ đồng Bầu Ông Bí (thôn Hiền Lương). Mục tiêu của địa phương là sau khi DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn 1 đến 2 thửa ruộng hoặc nhóm hộ chung nhau một thửa sản xuất cùng loại cây trồng với khối lượng lớn theo tiêu chí quy hoạch NTM; tăng giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta đất canh tác. Tổng kinh phí thực hiện DĐĐT và quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng khoảng 3,5 tỷ đồng. Chủ trương này được người dân đồng thuận cao”, ông Phúc nói.
Khu vực xứ đồng Bầu Ông Bí đang được thi công. |
Từ chủ trương của huyện về công tác DĐĐT, xã Vạn Lương đã tổ chức họp, lấy ý kiến của người dân để đảm bảo tính dân chủ, công khai nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ nông dân - những người trực tiếp thực hiện và được hưởng lợi. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động được tiến hành thường xuyên, liên tục, bảo đảm đến được với mọi đối tượng để người dân hiểu, tự giác thực hiện. Bước đầu triển khai, xã gặp khó khăn như một số hộ chưa thấy được thuận lợi trong sản xuất, canh tác, đầu tư và bảo vệ, chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc hình thành cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa nông sản bằng cơ giới hóa... Tuy nhiên, cùng với công tác tuyên truyền, sự chỉ đạo mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn đã giúp người dân hiểu được lợi ích của việc DĐĐT, từ đó có sự đồng thuận cao. Bà Đỗ Thị Minh Châu (thôn Hiền Lương) cho biết, bà hoàn toàn ủng hộ chủ trương DĐĐT của Đảng và Nhà nước, bởi đây là chủ trương đúng, làm lợi cho nhân dân. Gia đình bà có gần 3.000m2 đất nông nghiệp tại khu vực quy hoạch DĐĐT của xã, bà hy vọng sớm được nhận đất để sản xuất.
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Theo ông Ngô Xuân Phúc, Chủ tịch UBND xã, trong thời gian thi công các hạng mục dự án DĐĐT, nông dân sẽ bị chậm 1 vụ sản xuất. Tuy nhiên, người dân có diện tích đất tại khu vực thi công được hỗ trợ 12 triệu đồng/ha theo Quyết định số 4057 ngày 20-5 của UBND huyện Vạn Ninh. |
Theo ông Bùi Duy Văn, cán bộ địa chính - xây dựng xã Vạn Lương, sau khi quy hoạch trên diện tích 13ha, số thửa được rút lại còn 50 thửa (giảm hơn 80 thửa so với khi chưa thực hiện). Số hộ có diện tích nhỏ hơn 2.000m2 tại khu vực quy hoạch sẽ được di chuyển tới khu vực khác, được lựa chọn đất sản xuất do xã quản lý. Như vậy sau quy hoạch, 50 thửa sẽ giao cho 16 gia đình canh tác, 34 thửa do UBND xã quản lý. Toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng, đường giao thông trong khu vực quy hoạch DĐĐT sẽ được kiên cố bằng bê tông. Xã xây dựng mới 2 tuyến đường nội đồng với gần 500m, nâng tổng số đường trong khu vực quy hoạch hơn 1.100m và xây mới hơn 400m kênh mương (tổng kênh mương hơn 2.100m). Đến thời điểm này, dự án DĐĐT đã tiến hành được hơn 30% khối lượng công việc, dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn thành việc thi công mặt bằng và các công trình thủy lợi để giao đất cho người dân canh tác.
Ông Ngô Xuân Phúc cho rằng, việc DĐĐT đã mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp. Sau khi tiến hành DĐĐT, xã quy hoạch xứ đồng Bầu Ông Bí làm vùng sản xuất lúa giống. Trước hết, cung cấp cho địa phương, sau đó sẽ mở rộng thị trường nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân.
Việc DĐĐT sẽ tạo nên những cánh đồng lớn, giúp xã có biện pháp chỉ đạo tập trung, theo quy trình nghiêm ngặt, thống nhất từ khâu làm đất, gieo mạ, xuống giống, điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh. Ruộng được cấy cùng loại giống, cùng quy trình chăm sóc. Nhờ giao thông nội đồng thuận tiện nên khâu làm đất, thu hoạch đều sử dụng máy móc do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đảm nhận, qua đó góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị kinh tế.
Thành Nam