Tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Hùng (xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã dùng vỏ trấu để sản xuất ra than đốt với giá thành rẻ, góp phần bảo vệ môi trường.
Tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Hùng (xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã dùng vỏ trấu để sản xuất ra than đốt với giá thành rẻ, góp phần bảo vệ môi trường.
Năng lượng sạch từ vỏ trấu
Những năm trước, sau mỗi vụ mùa, các nhà máy xay xát trên địa bàn xã Ninh Thân luôn phải đau đầu với lượng vỏ trấu thải ra. Những ngày gió, trấu bay bụi mù, ngày mưa thì vỏ trấu chảy tràn. Ngoài việc đun nấu, các hộ dân chưa biết dùng vỏ trấu vào việc gì khác. Nhận thấy nguồn nguyên liệu đang bị bỏ phí và gây ô nhiễm môi trường, anh Nguyễn Văn Hùng, nông dân ở thôn Đại Tập đã tìm hiểu và đầu tư máy móc để sản xuất than đốt từ vỏ trấu. “Than trấu được sản xuất hoàn toàn bằng vỏ trấu, có ưu điểm là ít khói, đốt lâu, giá thành rẻ và không độc hại cho môi trường. Vì vậy, tôi đã đi đến các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Vĩnh Long... để tìm hiểu và mua về 2 máy ép sản xuất than trấu với giá gần 200 triệu đồng”, anh Hùng chia sẻ.
Đưa vào sản xuất từ cuối năm 2012, ban đầu, quá trình sản xuất than trấu gặp nhiều khó khăn do vỏ trấu ở địa phương dai và nhuyễn hơn trấu ở các tỉnh miền Tây. Với sự hiểu biết về lĩnh vực cơ khí, anh Hùng đã sửa chữa một số bộ phận của máy sản xuất than trấu để phù hợp với loại trấu ở địa phương. Khi những thanh than trấu đầu tiên xuất lò, anh Hùng đã gửi mẫu vào TP. Hồ Chí Minh kiểm nghiệm tiêu chuẩn về nhiệt lượng, độ tro... Có kết quả kiểm nghiệm, anh bắt đầu chào hàng từ các hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ trên địa bàn đến các công ty có quy mô sản xuất lớn ở TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh. Từ chỗ tiêu thụ chỉ vài tấn than/tháng, đến nay, cơ sở sản xuất của anh Hùng đã có nhiều hợp đồng cung cấp khoảng 300 tấn/tháng. Sau khi trừ chi phí, anh Hùng thu lãi gần 30 triệu đồng/tháng.
Cơ sở sản xuất than trấu của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng. |
Ông Lê Văn Minh - cán bộ phụ trách vật tư Công ty Cát Cam Ranh FICO cho biết: “Trước đây, Công ty chúng tôi thường sử dụng than đá để sản xuất. Than đá có nhiệt năng cao nhưng sản sinh chất S02 nhiều, làm hư hại các thiết bị bằng nhôm, gây ô nhiễm môi trường và có giá thành cao (khoảng 6,5 triệu đồng/tấn). Từ ngày sử dụng than trấu do anh Hùng cung cấp (giá 1,5 triệu đồng/tấn), chúng tôi rất yên tâm về vấn đề môi trường. Tuy nhiệt năng của than trấu không cao bằng than đá nhưng tổng chi phí rẻ hơn từ 20 - 25% so với than đá. Hiện nay, Công ty đã ký hợp đầu lâu dài với cơ sở sản xuất than trấu của anh Hùng với số lượng khoảng 60 tấn/tháng”. Cơ sở sản xuất của anh Hùng cũng đang cung cấp than trấu cho một số công ty như: Công ty Cổ phần Khôi Nguyên (TP. Nha Trang) với số lượng 120 - 130 tấn/tháng; Công ty TNHH một thành viên Thức ăn chăn nuôi Khatoco (xã Ninh Thân) khoảng 50 tấn/tháng...
Khó khăn về nguyên liệu và vốn
Ông Nguyễn Ngọc Trung - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thân: Sản xuất than đốt từ vỏ trấu của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng là mô hình sản xuất tiêu biểu của địa phương. Cơ sở sản xuất này đã tận dụng phụ phẩm sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho gia đình, giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động tại địa phương (thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/lao động). Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần bảo vệ môi trường, tránh tình trạng đốt, đổ vỏ trấu bừa bãi trên đường, ngoài ruộng như trước. |
Theo anh Hùng, mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất khoảng 10 tấn than trấu. Tuy nhiên, đó chỉ là hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn nguyên liệu. Một tháng, cơ sở sản xuất của anh chỉ hoạt động từ 15 - 20 ngày, còn lại phải đóng máy. Không chỉ đặt mua vỏ trấu ở các nhà máy xay xát trên địa bàn thị xã Ninh Hòa mà anh Hùng đã đi Vạn Ninh, Diên Khánh, Ninh Thuận để mua vỏ trấu. Hiện nay, giá cước vận tải tăng khiến chi phí sản xuất tăng theo, nhưng anh Hùng vẫn chấp nhận mua vỏ trấu ở các địa bàn xa vì vỏ trấu tại địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.
Một tín hiệu vui cho cơ sở sản xuất than trấu của anh Hùng là một số công ty đang đề nghị anh ký hợp đồng cung cấp than với số lượng lớn. “Tôi muốn mở rộng quy mô sản xuất, nhà xưởng và quan trọng là xây dựng nhà kho để dự trữ nguyên liệu. Có như vậy mới đáp ứng được những hợp đồng với số lượng lớn. Tuy nhiên, để đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng cần số vốn khá lớn. Hiện tôi đang làm thủ tục để vay vốn ngân hàng nhưng do chưa phải là doanh nghiệp nên gặp khó khăn. Hy vọng tôi sẽ nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương để có điều kiện vay vốn mở rộng quy mô sản xuất”, anh Hùng bày tỏ.
MAI HOÀNG