Kể từ năm 2014, mức chi cho hoạt động khuyến công đã tăng nên nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất rất phấn khởi…
Kể từ năm 2014, mức chi cho hoạt động khuyến công đã tăng nên nhiều doanh nghiệp (DN), đơn vị sản xuất rất phấn khởi…
Mức hỗ trợ tăng gấp đôi
Mới đây, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch Hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương. Theo đó, mức chi hoạt động khuyến công có nhiều thay đổi, trong đó một số mục có mức chi tăng gấp đôi.
Cụ thể, chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới có mức hỗ trợ 30%, nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình (mức cũ chỉ tối đa 250 triệu đồng). Mức hỗ trợ đối với cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức, cá nhân khác học tập tối đa là 100 triệu đồng/mô hình (mức cũ không quá 70 triệu đồng); chi hỗ trợ thành lập DN sản xuất công nghiệp nông thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn tăng từ 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng/DN.
Ngoài ra, chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có mức hỗ trợ bằng 50% chi phí, tối đa đến 200 triệu đồng/cơ sở (mức cũ không được vượt quá 100 triệu đồng); chi hỗ trợ thuê tư vấn, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các lĩnh vực lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực, thiết kế mẫu mã - bao bì - đóng gói, ứng dụng công nghệ thiết bị mới có mức hỗ trợ bằng 50% chi phí, tương ứng 35 triệu đồng/cơ sở (mức cũ không quá 30 triệu đồng). Chi hỗ trợ thành lập hội, hiệp hội ngành nghề vùng và cấp quốc gia có mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí thành lập, tối đa 70 triệu đồng/hội, hiệp hội vùng (mức cũ không quá 50 triệu đồng); chi hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp có mức tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 500 triệu đồng/cụm công nghiệp (mức cũ tối đa là 350 triệu đồng).
Nhiều doanh nghiệp phấn khởi vì mức hỗ trợ khuyến công tăng, đối tượng được mở rộng. |
Bên cạnh đó còn có các mức chi mới để tạo điều kiện cho DN hoạt động như: Chi thưởng cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đạt giải cấp khu vực, cấp quốc gia; chi hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường di dời vào khu, cụm công nghiệp; chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở công nghiệp nông thôn; chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp…
Doanh nghiệp phấn khởi
Theo ông Võ Đình Thoại - Trưởng phòng Khuyến công Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, sau khi Bộ Công Thương có thay đổi về mức chi hỗ trợ khuyến công quốc gia, UBND tỉnh sẽ căn cứ để xây dựng quy chế quản lý kinh phí khuyến công địa phương và quy định mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công địa phương cho phù hợp. Hiện nay, UBND tỉnh chưa xây dựng xong quy chế nên những DN nào không thuộc diện hỗ trợ của khuyến công quốc gia sẽ vẫn áp dụng theo mức hỗ trợ cũ của khuyến công địa phương. Khi mức hỗ trợ khuyến công quốc gia tăng thì chắc chắn mức hỗ trợ khuyến công địa phương cũng tăng lên cho phù hợp.
Theo quy định cũ, những DN tại huyện, thị trấn, xã mới được hưởng chính sách khuyến công. Nhưng từ năm 2014, áp dụng thông tư mới, DN tại các phường của thành phố cũng được hưởng chính sách khuyến công. Theo ông Thoại, việc tăng mức hỗ trợ khuyến công và mở rộng đối tượng được hỗ trợ là tin vui đối với các DN, nhất là trong tình hình khó khăn về kinh tế như hiện nay. Để những chính sách khuyến công mới đến được với DN, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đang phối hợp với phòng kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để tổ chức tuyên truyền, phổ biến. Mới đây, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về chính sách khuyến công năm 2014 cho gần 100 đại biểu là các lãnh đạo xã, phường, DN trên địa bàn thành phố. Tại hội nghị, ông Bùi Xuân Đông - chủ DN tư nhân Xuất khẩu gỗ mỹ nghệ tại phường Cam Thuận vui mừng cho biết: “Tôi xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ đi Trung Quốc, Đài Loan; nhưng những đồ cần khắc chữ phải đưa vào TP. Hồ Chí Minh làm. Tôi tính mua máy khắc chữ có giá khoảng 300 triệu đồng nhưng lại thiếu vốn; hiện nay, đối tượng hỗ trợ khuyến công được mở rộng, hy vọng sẽ đỡ phần nào…”. Cũng như ông Đông, nhiều DN muốn đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất hoặc mở rộng cơ sở sản xuất, nhưng từ trước đến nay, do nằm trên địa bàn phường nên không được hỗ trợ. Thông qua chính sách mới, những DN làm ăn lớn, có vốn đầu tư khoảng từ 2 tỷ đồng trở lên (có cơ hội tiếp cận nguồn khuyến công quốc gia) rất vui mừng…
Bà Lê Thị Thu Hồng - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, hiện nay, toàn thành phố có 310 DN đang hoạt động thì có đến 212 DN đang rất khó khăn, 37 DN hoạt động cầm chừng. Khó khăn chủ yếu của các DN là khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đầu ra không ổn định. Đa số các DN không có điều kiện đổi mới công nghệ, thay đổi thiết bị tiên tiến, mở rộng sản xuất. Vì vậy, việc tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng khuyến công sẽ giúp các DN có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất.
NHẬT THANH