10:11, 01/11/2012

Ngò gai rớt giá, nông dân không muốn thu hoạch

Mùa mưa lũ đang đến gần. Tuy nhiên, thay vì gấp rút thu hoạch những lứa cuối cùng, năm nay, người trồng ngò gai ở xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) vẫn “đủng đỉnh”; đó là bởi giá ngò gai vụ này chỉ bằng 1/3 so với vụ trước.

Mùa mưa lũ đang đến gần. Tuy nhiên, thay vì gấp rút thu hoạch những lứa cuối cùng, năm nay, người trồng ngò gai ở xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) vẫn “đủng đỉnh”; đó là bởi giá ngò gai vụ này chỉ bằng 1/3 so với vụ trước.

Mô hình sản xuất mới 

Trước đây, anh Phạm Trung Nguyên (thôn Tây, xã Vĩnh Phương) thường trồng ngò gai xen với nhiều loại hoa màu khác, hoặc trồng dưới tán dừa để tận dụng bóng râm. Tuy nhiên, khoảng 2 - 3 năm gần đây, anh Nguyên chuyển sang mô hình trồng ngò gai trong nhà lưới. Anh Nguyên cho biết: “Ngò gai là loại rau ưa bóng râm nên khi trồng trong nhà lưới, ngò cho năng suất cao, đặc biệt, những cây con ở dưới sẽ được che mát để tiếp tục phát triển. Trồng ngò gai trong nhà lưới có thể cho thu hoạch 7 - 8 lứa/năm (cách trồng cũ được khoảng 4 - 5 lứa/năm), năng suất đạt khoảng 1 - 2 tấn/sào/năm. Nhà lưới được phủ kín bằng lưới cả trên mái và xung quanh nên có thể ngăn côn trùng xâm nhập phá hoại cây trồng”. Nhà lưới trồng ngò gai được làm với kiểu mái bằng, khung bằng gỗ hoặc tre, độ cao chỉ từ 2 - 4m; cách làm nhà lưới cũng khá đơn giản. Vì vậy, không chỉ anh Nguyên, hơn 10 hộ dân ở xã Vĩnh Phương cũng bắt đầu trồng ngò gai trong nhà lưới. Tuy chi phí đầu tư ban đầu cao (mua lưới, tre, gỗ khoảng 9 triệu đồng/sào) nhưng nhà lưới này có thể sử dụng được từ 2 - 3 năm và hiệu quả mang lại khá rõ rệt: ngò gai phát triển đều, ít sâu bệnh và thu hoạch được nhiều lứa. Nếu giá bán khoảng 20 ngàn đồng/kg như mọi năm, với năng suất trung bình 1 - 2 tấn/sào/năm, người trồng có thể thu 20 - 40 triệu đồng/sào/năm.

 Giá bán ngò gai vụ này chỉ bằng 1/3 vụ trước.

 Giá bán ngò gai vụ này chỉ bằng 1/3 vụ trước.

Ông Nguyễn Văn Khơ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phương nhận định: “Ngò gai là loại rau dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, thích hợp với nhiều chân đất khác nhau, đặc biệt là vùng đất nhiều mùn, lại mọc thành từng cụm nên tiết kiệm diện tích. Khi trồng trong nhà lưới, ngò gai có thể phát triển quanh năm, ít bị sâu bệnh. Vì mô hình này cho năng suất khá cao nên từ chỗ chỉ có vài hộ làm, nay trên địa bàn xã đã có hơn chục hộ áp dụng với tổng diện tích hơn 8ha”.

Giá thấp, tiêu thụ chậm

Tuy đã tìm được mô hình sản xuất phù hợp, cho năng suất cao nhưng hiện nhiều nông dân vẫn không thiết tha sản xuất ngò gai. Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, giá ngò gai liên tục giảm, khiến nhiều người nản, không thiết tha chuyện thu hoạch tránh mưa lũ. Chị  Lê Thị Thu Xuyến (thôn Tây, xã Vĩnh Phương) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 5 sào ngò gai. Vào thời điểm này năm ngoái, tôi đã tích cực thu hoạch để kịp tránh mưa lũ. Nhưng năm nay giá ngò thấp, chỉ khoảng 6 - 7 ngàn đồng/kg, lại bán chậm nên tôi không muốn thu hoạch. Vì thu hoạch thì tốn chi phí nhân công mà bán không được bao nhiêu”. Nhiều hộ trồng ngò gai cho hay, vụ trước, mỗi kg ngò gai cắt bán, người trồng thu được khoảng 20 - 21 ngàn đồng. Đầu năm nay, giá ngò gai giảm còn 13 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 6 - 7 ngàn đồng/kg.

Giá bán quá thấp, trong khi giá hạt giống, phân bón tăng, lại thêm tiêu thụ rất chậm, khiến nông dân chán nản. Ông Trần Đại Nghĩa (Diên Sơn, Diên Khánh), một người chuyên thu mua ngò gai của nông dân để bỏ mối ở chợ Đầm cho biết: “Vụ ngò gai năm ngoái, trung bình mỗi ngày, tôi thu mua và bỏ mối hơn 1,5 tạ, nhưng năm nay, thu chưa đến 1 tạ. Đã vậy, nhiều khi bỏ mối rồi nhưng bạn hàng bán ế, ngò gai hỏng, vàng úa, người ta còn đem trả lại”. Nhiều nông dân đang lúng túng không biết giải quyết ra sao bởi thu hoạch thì lỗ tiền nhân công mà duy trì thì lỗ tiền phân bón, công chăm sóc; phá bỏ thì lỗ chi phí đầu tư ban đầu.

Để vớt vát lại vốn đầu tư và hy vọng ở vụ mùa mới, một số hộ trồng ngò gai đã chấp nhận bán khoán ruộng ngò gai cho thương lái với giá thấp hơn khoảng 20% so với giá thị trường. Trong khi đó, có hộ đang băn khoăn có nên tiếp tục sản xuất ngò gai hay chuyển đổi sang cây trồng khác?

HOÀNG DUNG