12:11, 12/11/2012

Nông dân cần được hướng dẫn kỹ thuật

Gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cam Lâm nuôi con dúi - loài động vật rừng thông thường. Do đây là đối tượng nuôi mới nên nông dân đang rất cần được hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật.

Gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cam Lâm nuôi con dúi - loài động vật rừng thông thường. Do đây là đối tượng nuôi mới nên nông dân đang rất cần được hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật.

Làm thử, ăn thật

Là một trong những người đầu tiên nuôi thành công loại động vật hoang dã này, ông Dương Văn Châu - nông dân xã Suối Cát chia sẻ, ban đầu, thấy nhiều người vào rừng đào dúi bán với giá cao, thấy không có hàng để bán nên ông quyết định nuôi thử. Đầu năm 2012, với số vốn 10 triệu đồng, ông thả nuôi thử 20 cặp dúi. Chưa đến 1 năm, đàn dúi của gia đình ông đã phát triển lên gần 100 con. Hiện tại, với giá bán từ 400 đến 600 ngàn đồng/cặp dúi giống và hơn 350 ngàn đồng/kg dúi thịt, ông Châu thu về tiền triệu mà không mất nhiều chi phí. Ông Châu cho biết: “Ban đầu, tôi chỉ nuôi thử. Dúi là loài dễ nuôi, chi phí đầu tư ít, không tốn nhiều công, quay vòng vốn nhanh, đầu ra tốt. Dúi nuôi từ lúc sinh ra đến khi thành thương phẩm (ăn thịt được) chỉ từ 6 đến 8 tháng. Dúi càng già thịt càng ngon. Cứ 3 đến 4 tháng, dúi sinh sản một lần, mỗi lứa từ 2 đến 3 con. Vừa qua, tôi đã xuất bán 25 cặp dúi con đã biết ăn, trị giá hơn 12 triệu đồng cho một số nông dân trong xã và các tỉnh, thành khác”.

Gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cam Lâm nuôi con dúi - loài động vật rừng thông thường. Do đây là đối tượng nuôi mới nên nông dân đang rất cần được hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật.
Ông Trần Xuân Thái kiểm tra Dúi nuôi

Hộ ông Trần Xuân Thái (xã Cam Tân) đầu tư 35 triệu đồng để mua 100 con dúi hoang dã về nuôi thử. Ban đầu, do chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi và chất lượng giống không đảm bảo nên đã có gần 10 cặp dúi bị chết. Hiện nay, đàn dúi của gia đình đang trong thời kỳ sinh sản, vì vậy, ông đã liên hệ với một số hộ nuôi có kinh nghiệm để học hỏi. Ông cho rằng: “Đầu tư nuôi dúi hiệu quả hơn nhiều so với các động vật khác. Nuôi dúi không chiếm nhiều diện tích, chi phí đầu tư thấp, thức ăn đơn giản với các loại như: tre, trúc, mía, khoai lang, khoai mì... Trong khi đó, nông dân không phải lo lắng về đầu ra, dúi thịt hiện có giá khoảng 350 nghìn đồng/kg nên khả năng sinh lời lớn”.

Cần được hướng dẫn

Do nhận thấy hiệu quả từ đối tượng nuôi này nên nhiều nông hộ ở Cam Lâm đang tìm mua dúi giống để phát triển mô hình. Theo ông Nguyễn Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Tân, mô hình nuôi dúi hứa hẹn nhiều triển vọng. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiến hành nhân rộng mô hình này.

1
Nuôi dúi không chiếm nhiều diện tích, thức ăn đơn giản

Tuy nhiên, dúi là đối tượng nuôi mới, nông dân chưa được trang bị kiến thức, kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, phòng và chữa bệnh nên rất dễ gặp rủi ro. Ông Trần Xuân Thái cho biết: “Do mới nuôi thử nghiệm nên chúng tôi chưa nắm bắt được kỹ thuật cũng như cách phòng trị bệnh cho dúi. Hơn 10 cặp dúi của gia đình tôi đã chết do bệnh nhậm mắt, phân loãng. Khi mới phát hiện bệnh, do không biết thuốc điều trị nên tôi mua các loại thuốc tây để điều trị, nhưng hiệu quả không cao”. Còn theo ông Dương Văn Châu, để giúp nông dân phát triển mô hình nuôi dúi, ngành chức năng nên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho nông dân.

Mô hình nuôi dúi phù hợp với nhu cầu chuyển đổi ngành nghề của nông dân, nhưng tại Cam Lâm, mô hình chỉ mang tính tự phát. Dúi tuy là động vật dễ nuôi nhưng cũng dễ mắc bệnh; khi nuôi với số lượng lớn, dúi có thể bị nhiễm dịch bệnh như một số vật nuôi thông thường khác. Vì vậy, ngành chức năng cần hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật để giúp nông dân phát triển bền vững đối tượng nuôi này. 

BÍCH LA

Dúi là một trong những động vật thuộc danh mục 160 loài động vật rừng thông thường quy định tại Thông tư 47 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Người nuôi cần phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng, khi bán cũng phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trao cho người mua để trình báo với cơ quan chức năng trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, Thông tư còn quy định, cơ sở nuôi, trại nuôi dúi và các động vật rừng thông thường khác phải phù hợp với đặc tính sinh trưởng, phát triển của chúng; phải đảm bảo an toàn cũng như các quy định về vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh...