Diện tích trồng chuối của toàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã giảm từ hơn 1.000ha xuống còn 500 - 700ha. Xã Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Sơn Bình… - những địa phương chủ lực về cây chuối đều thu hẹp diện tích trồng.
Diện tích trồng chuối của toàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã giảm từ hơn 1.000ha xuống còn 500 - 700ha. Xã Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Sơn Bình… - những địa phương chủ lực về cây chuối đều thu hẹp diện tích trồng.
Thu hẹp diện tích
Giai đoạn khoảng cuối năm 2009 đến tháng 3-2011, do giá chuối tăng cao, có lúc đến 7.000 đồng/kg, nên diện tích chuối trên địa bàn huyện không ngừng mở rộng. Đầu năm 2011, diện tích chuối trên địa bàn đạt hơn 1.000 ha, chủ yếu do bà con trồng tự phát. Nhưng hiện nay, diện tích này đang dần thu hẹp do trồng chuối không cho hiệu quả cao như trước.
Trước đây, gia đình ông Mấu Xuân Dương (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc) trồng đến 7ha với hơn 7.000 bụi chuối mốc, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhưng từ giữa năm 2011, gia đình ông chỉ giữ lại 2ha chuối, còn lại được chuyển sang trồng bắp, mì. Ông Dương cho biết: “Từ khoảng tháng 7-2011, chuối rớt giá mạnh, từ 5.000 - 7.000 đồng/kg xuống còn 500 - 1.000 đồng/kg; tiền bán chuối không đủ trả công gùi chuối từ rẫy về nên gia đình tôi đã giảm diện tích trồng chuối. Năm nay, tuy giá chuối có tăng lên (khoảng 1.200 - 1.500 đồng/kg chuối loại 1), nhưng ước tính, thu nhập từ chuối của nhà tôi cũng chỉ khoảng 5 - 7 triệu đồng/ha. Vì thế, tôi sẽ chuyển tiếp 2ha chuối còn lại sang trồng keo”. Gia đình ông Mấu Xuân Bương (thôn Dốc Trầu) năm trước trồng hơn 2ha chuối, nhưng đợt nắng nóng kéo dài cuối tháng 8 vừa qua, cộng với sâu bệnh hại chuối đã khiến phần lớn diện tích chuối bị hư hại, chỉ còn vài trăm bụi cho quả. Vì chuối chủ yếu được trồng ở rẫy xa, nên mỗi lần lên rẫy, ông chỉ gùi được khoảng 4 buồng chuối chừng 20kg, bán cũng chỉ được 20 - 30 nghìn đồng. Vì thế, ông Bương quyết định cuối năm nay sẽ chuyển 2ha chuối sang trồng bắp.
Ông Mấu An - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc cho biết, từ trước đến nay, chuối luôn được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương, là loại cây trồng xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm trước, xã luôn duy trì 420 - 450ha chuối nhưng hiện nay, diện tích chuối toàn xã chỉ còn khoảng 320ha. Nhiều diện tích chuối đã được chuyển sang trồng cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp. Không riêng Ba Cụm Bắc, diện tích chuối của nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện như: Sơn Trung, Sơn Bình... cũng thu hẹp đáng kể. Hiện nay, diện tích trồng chuối của toàn huyện đã giảm từ hơn 1.000ha trước đây xuống còn 500 - 700ha.
Không tìm được đầu ra
Diện tích chuối ở Khánh Sơn thu hẹp chủ yếu là do 2 năm trở lại đây, giá chuối giảm mạnh. Bà Nguyễn Thị Kính (Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm), một thương lái chuyên thu mua chuối từ Khánh Sơn lý giải: “Những năm trước, khoảng 80% số chuối tôi thu mua được đưa sang Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ chuối theo mùa, khoảng từ tháng 3 đến tháng 6. Hồi đó, mỗi ngày, vợ chồng tôi thu mua đến gần chục tấn chuối. Nhưng năm nay, cả tháng tôi mới xuất được khoảng 10 tấn, giá cũng rất thấp. Do lãi ít nên hiện tôi chỉ thu mua khoảng 2 tấn/tuần, chủ yếu tiêu thụ ở các chợ trong tỉnh và đưa đi Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương... Đầu ra khó khăn là nguyên nhân khiến giá chuối giảm trong thời gian qua”.
Hiện nay, chỉ trước ngày rằm hay đầu tháng âm lịch, thương lái mới đưa xe lên Khánh Sơn thu mua chuối. |
Theo bà Kính, sự tăng giảm giá chuối ở Khánh Sơn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Sau đợt giảm giá mạnh từ khoảng tháng 7 năm ngoái, dịp gần Tết Tân Mão, giá chuối tăng đôi chút do nhu cầu trong nước tăng, nhưng sau Tết lại hạ xuống ngay. Từ khoảng tháng 3 đến tháng 6 năm nay, thị trường Trung Quốc bắt đầu tiêu thụ lại, giá chuối tăng trở lại, đạt khoảng 2.500 đồng/kg (giảm 50 - 60% so với năm 2011). Nhưng từ sau đó đến nay, giá chuối loại 1 cũng chỉ duy trì ở mức 1.200 - 1.500 đồng/kg, các loại khác chỉ khoảng 800 - 1.000 đồng/kg.
Giá chuối ở Khánh Sơn thấp phần khác còn do thời tiết nắng nóng kéo dài, sâu bệnh hại chuối. Ông Mấu An chia sẻ: “Nắng nóng kéo dài đã khiến chuối bị thiếu nước khi đậu quả nên quả nhỏ. Bên cạnh đó, các loại sâu bệnh như vàng lá, đục thân, bọ cánh cứng, kiến... cũng khiến năng suất, chất lượng chuối giảm sút, dẫn tới giá bán không cao. Hiện bà con thu hoạch được chủ yếu là chuối loại 2, 3, giá bán cao nhất chỉ khoảng 1.000 - 1.200 đồng/kg”.
Đáng buồn hơn, tuy giá chuối tại rẫy hiện rất thấp, nhưng giá tại một số chợ trên địa bàn tỉnh lại không hề rẻ. Ngày thường, chuối mốc loại 1 được bán tại chợ với giá hơn 7.000 đồng/kg, chuối Nàng hương loại 1: hơn 10.000 đồng/kg. Vào ngày rằm hay đầu tháng âm lịch, giá chuối còn cao hơn. Từ vườn ra chợ, chuối phải qua nhiều khâu trung gian, mỗi khâu đều đẩy lên một vài giá khiến cả nông dân và người tiêu dùng đều không được lợi.
BÍCH LA
Ông Nguyễn Trọng Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn: Bà con thường trồng chuối tự phát, ít chăm sóc nên rất dễ thiệt hại khi thời tiết không thuận, sâu bệnh tấn công. Bên cạnh đó, đầu ra của cây chuối phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên không ổn định. Huyện đã liên hệ với các nhà máy chế biến chuối tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương nhưng đến nay, chưa đơn vị nào đặt vấn đề thu mua. Vì vậy, địa phương không khuyến khích người dân phát triển diện tích trồng chuối, chỉ nên duy trì khoảng 500ha; đồng thời tư vấn bà con chuyển sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, mít nghệ, cà phê, keo...