Hiện nay, Khánh Hòa có 13 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động khá hiệu quả, nộp ngân sách hàng năm đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
Hiện nay, Khánh Hòa có 13 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang hoạt động khá hiệu quả, nộp ngân sách hàng năm đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả sẽ còn lớn hơn nhiều nếu các doanh nghiệp này thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức, sản xuất, nhân lực…
Xây dựng cơ cấu hợp lý hơn
Thực hiện Quyết định số 929 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh vừa thông qua Đề án tái cơ cấu DNNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến năm 2020. Mục tiêu chính của Đề án là để các DNNN xây dựng cho mình cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo. Việc tái cơ cấu sẽ được tiến hành toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển đến đầu tư, thị trường, sản phẩm... Sau khi tái cơ cấu, các DNNN sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Tường Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Khánh Việt cho biết, hiện nay, Công ty đang hoạt động theo mô hình “công ty mẹ - công ty con”. Công ty mẹ có 16 đơn vị hạch toán phụ thuộc; các công ty con có 6 đơn vị hạch toán độc lập, trong đó có 3 doanh nghiệp (DN) thuộc loại hình công ty TNHH một thành viên (công ty mẹ đầu tư 100% vốn), 3 DN thuộc loại hình công ty cổ phần. Ngoài ra, còn có 4 công ty liên kết thuộc loại hình công ty cổ phần. Cơ cấu ngành nghề kinh doanh chủ yếu của công ty mẹ gồm: Công nghiệp thuốc lá; công nghiệp in và sản xuất bao bì; công nghiệp dệt may và thiết kế thời trang; khách sạn - dịch vụ du lịch; đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; chăn nuôi - chế biến các sản phẩm sau chăn nuôi; thương mại - xuất nhập khẩu. Những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Khánh Việt tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, doanh thu bình quân tăng 17%, lợi nhuận tăng bình quân 14%, nộp ngân sách bình quân tăng 14%. Riêng năm 2011, doanh thu đạt 7.670 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2.616 tỷ đồng; dự kiến năm 2012, nộp ngân sách 2.930 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2011.
Trong đề án tái cơ cấu, công nghiệp sản xuất thuốc lá vẫn được Tổng Công ty Khánh Việt ưu tiên hàng đầu. |
Theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012 - 2015, Tổng Công ty Khánh Việt sẽ cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh với tiêu chí: sắp xếp, đổi mới DN theo hướng phát triển các ngành nghề hiệu quả, có tiềm năng phát triển lâu dài, thu hẹp dần các ngành nghề có hiệu quả thấp; giảm dần số lượng DN có cổ phần của công ty mẹ chi phối, chuyển đổi hình thức sở hữu theo lộ trình các DN hạch toán phụ thuộc công ty mẹ. Trong quá trình tái cơ cấu, Tổng Công ty hướng đến mục tiêu trở thành đơn vị có tiềm lực kinh tế mạnh, có thương hiệu, quy mô đứng đầu của khu vực miền Trung và cả nước. Để đạt được mục tiêu này, ngoài hoàn thiện cơ cấu tổ chức, ngành nghề kinh doanh theo định hướng đề ra, đơn vị sẽ bám sát xu hướng vận động của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, kịp thời đề ra các giải pháp, biện pháp tích cực, phù hợp với đặc thù từng đơn vị, lĩnh vực kinh doanh để nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng vốn và tài sản của DN.
Cần sự nỗ lực của các đơn vị
Theo ông Đỗ Hữu Thiệt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN theo Quyết định 929 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa có 13 đơn vị sẽ được tái cơ cấu, chuyển đổi sang hình thức cổ phần hoặc giữ nguyên hình thức tổ chức hoạt động. Cụ thể, sẽ có 6 đơn vị cổ phần hóa gồm: Công ty Thương mại Đầu tư Khánh Hòa, Công ty Du lịch Khánh Hòa, Công ty Dịch vụ Vận tải Khánh Hòa, Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa, Công ty Môi trường Đô thị Nha Trang, Công ty Xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa. 5 đơn vị xây dựng đề án tái cơ cấu với nội dung giữ nguyên tổ chức hoạt động gồm: Công ty Lâm sản Khánh Hòa, Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương, Công ty Xổ số kiến thiết Khánh Hòa, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Khánh Hòa.
Riêng 2 đơn vị: Tổng Công ty Khánh Việt và Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa là 2 DN có quy mô lớn, chi phối đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên UBND tỉnh chỉ đạo tái cơ cấu theo mô hình mới, hiệu quả hơn. Theo đó, tập trung rà soát lại hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc, nhất là các đơn vị đang hoạt động không hiệu quả. Trên cơ sở đó, đánh giá nguyên nhân, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn. Mặt khác, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, nghề kinh doanh; tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính, phù hợp với chiến lược phát triển của DN theo từng thời kỳ, tùy thuộc vào điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, DN xây dựng mô hình tổ chức mới theo hướng sáp nhập, giải thể hoặc chuyển đổi loại hình hoạt động của các bộ phận, đơn vị trực thuộc, thu gọn đầu mối quản lý, tái cơ cấu các đơn vị thành viên để có chiến lược xây dựng kế hoạch phát triển của đơn vị theo từng giai đoạn (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn). Ngoài ra, cần rà soát và có sự chọn lựa hợp lý đối với ngành, lĩnh vực, dự án mà các đơn vị đang đầu tư.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang biến động, việc tái cơ cấu DNNN không tránh khỏi khó khăn, thách thức. Vì vậy, để tác cơ cấu thành công, các DN cần nỗ lực hết mình, kịp thời đề ra các giải pháp, biện pháp tích cực, phù hợp với đặc thù để nâng cao hiệu quả.
ANH TUẤN
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, các DNNN chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA, nhưng lại chỉ đóng góp khoảng 37 - 38% GDP. Vì vậy, việc tái cơ cấu DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.