Dự án thâm canh xoài cát Hòa Lộc theo hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt) do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia hỗ trợ đã giúp người trồng xoài tại huyện Cam Lâm có cái nhìn toàn diện hơn về cách trồng xoài sạch.
Dự án thâm canh xoài cát Hòa Lộc theo hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt) do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia hỗ trợ đã giúp người trồng xoài tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) có cái nhìn toàn diện hơn về cách trồng xoài sạch.
Làm quen với GAP
Ông Hồ Văn Giác (thôn Tân Hải, xã Cam Hải Tây) - một trong những hộ thực hiện dự án cho biết, hộ ông tham gia 7.000m2, trồng 210 cây xoài cát Hòa Lộc theo hướng GAP. Chương trình hỗ trợ 40% chi phí giống, 20% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo hướng GAP. Trong quá trình thực hiện, ông đầu tư làm hồ nước, kéo đường ống tưới cho xoài. Vụ này, xoài vừa ra lứa đầu tiên, sản lượng còn ít nên thu nhập chưa cao.
Ông Đoàn Ngọc Phước cùng 2 hộ: Lê Văn Tùng và Biện Hoàng Tâm (trú thôn Tân Hải) cũng tham gia nhóm hộ trồng xoài theo hướng GAP. Theo ông Phước, mô hình được hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, hướng dẫn cách cắt ghép, tỉa cành, bơm tưới nước... Tuy việc phun thuốc BVTV chưa quy định khắc khe nhưng chương trình khuyến khích sử dụng các loại nông dược an toàn. Đến nay, diện tích trồng xoài của nhóm đã bắt đầu cho thu hoạch...
Trồng xoài theo hướng GAP tại thị trấn Cam Đức. |
Chương trình GAP đã khuyến khích nông dân làm quen với sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Tuy sản phẩm làm ra chưa đạt tiêu chuẩn GAP, nhưng việc hỗ trợ, hướng dẫn của các ngành là cần thiết, rất đáng quan tâm.
Cần quan tâm
Theo ông Đoàn Ngọc Phước, việc hỗ trợ như trên còn ít, cần kéo dài thêm thời gian; đồng thời Nhà nước cũng cần xây dựng thương hiệu cho cây xoài Cam Lâm. Có như vậy, việc khuyến khích trồng xoài theo hướng GAP mới đi vào thực chất.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Khánh Hòa cho biết, mô hình triển khai từ năm 2008 với quy trình trồng và chăm sóc 4 năm (2008 - 2011) tại 3 xã: Cam An Nam, Cam Thành Bắc và Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm) trên diện tích 15ha, 56 hộ tham gia. Năm 2008, chương trình hỗ trợ 74 triệu đồng; năm 2009: 39 triệu đồng; năm 2010: 51 triệu đồng; năm 2012: 58 triệu đồng. Đến nay, chương trình đã hoàn thành kế hoạch chăm sóc với mục tiêu cải tạo giống xoài già cỗi, cho năng suất thấp để thay thế bằng những giống xoài có chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho nông dân. Năm 2010, mô hình chuyển sang chăm sóc theo hướng GAP. Chương trình đã tổ chức tập huấn cho nông dân. Qua đó, bà con đã ý thức được việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo định mức cho phép, đảm bảo sản phẩm làm ra an toàn cho người sử dụng và môi trường.
Theo đề nghị của nhiều nông dân, xoài là cây trồng dài ngày, từ khi trồng đến khi ra hoa mất ít nhất 4 năm. Đây cũng là thời gian cần sự hỗ trợ nhiều nhất, thế nhưng, chương trình lại ngưng hỗ trợ, dẫn tới việc đầu tư của nông dân gặp khó khăn. Mặt khác, tuy khuyến khích trồng xoài theo hướng GAP nhưng nhiều bà con chưa nhận thức hết giá trị của việc thực hành nông nghiệp sạch. Vì vậy, khi xoài bị bệnh, nông dân vẫn phun thuốc bừa bãi, không chọn lọc thuốc BVTV. Hơn nữa, mô hình cũng chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, động viên phong trào, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc nên chất lượng sản phẩm khó đạt yêu cầu.
Việc khuyến khích nông dân thực hành theo hướng GAP là hướng đi đúng khi xây dựng mô hình nông nghiệp an toàn, bền vững. Với lợi thế của mô hình điểm, huyện Cam Lâm có thể đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho quả xoài thông qua hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích nông dân thực hiện; đồng thời đề ra lộ trình thích hợp để xây dựng thương hiệu cho trái xoài địa phương.
H.A
Ông Ngô Văn Thành - Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cam Lâm: Dự án thâm canh xoài cát Hòa Lộc theo hướng GAP do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia chuyển giao năm 2008, đến năm 2012 kết thúc. Dự án này giúp cho người trồng xoài làm quen với việc thực hành nông nghiệp sạch, gắn nâng cao chất lượng với an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong các chương trình khuyến nông của tỉnh, huyện cũng khuyết khích nông dân thực hiện theo hướng này để tiến tới xây dựng thương hiệu cho trái xoài địa phương. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này chỉ mới chiếm 20% diện tích xoài toàn huyện.
Ông Vũ Đình Bình - Trưởng phòng Kỹ thuật tổng hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xoài là cây ăn quả chủ lực của tỉnh, do đó bên cạnh việc nhân rộng giống mới còn phải nâng cao chất lượng quả xoài cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Dự án này, vì thế, rất quan trọng, góp phần khuyến khích người trồng xoài tránh sử dụng các hóa chất độc hại. Không chỉ Cam Lâm mà các vùng trồng xoài khác trong tỉnh cũng cần nhân rộng để giúp nguwòi dân nâng cao thu nhập và bảo đảm chất lượng nông sản.