Để khắc phục những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả đánh bắt thủy sản, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cần thiết để giúp ngư dân.
Để khắc phục những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả đánh bắt thủy sản, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) sẽ trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cần thiết để giúp ngư dân.
Hiệu quả đánh bắt còn hạn chế
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ năm 2007 đến 2012, cả nước xảy ra hơn 4.500 vụ tai nạn tàu cá trên biển, làm chết và mất tích gần 650 người. Nguyên nhân là do đâm va, chìm tàu, mắc cạn... trong đó, sự cố hỏng máy, vỏ tàu chiếm 63% với hơn 2.870 vụ.
Theo ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, thực tế, đa số tàu cá của ngư dân nước ta là tàu gỗ, sử dụng công nghệ đóng tàu cũ, không chịu được sóng lớn; trang bị không hiện đại; trình độ ngư dân cũng có hạn. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân liên quan đến sự quá tải về đăng kiểm. Tính đến nay, cả nước có khoảng 126.000 tàu cá, trong khi việc đăng kiểm chỉ đạt 50%. Lực lượng cán bộ đăng kiểm rất mỏng, trung bình mỗi người phải giám sát, kiểm tra hơn 320 tàu/năm, việc kiểm tra an toàn kỹ thuật vẫn nặng về thủ tục hành chính...
Ngư dân rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để bám biển dài ngày. |
Hiện mô hình tổ đội hợp tác đánh bắt hải sản trên biển chủ yếu cũng do ngư dân tự tổ chức. Một số ngư dân muốn bám biển dài ngày, muốn đóng tàu to, hiện đại nhưng lại thiếu vốn. Anh Nguyễn Thuận (Vĩnh Trường, Nha Trang), một trong những người vừa đóng xong con tàu công suất trên 1.000CV cho biết: “Chúng tôi phải vay mượn, huy động tiền tích góp của cả gia đình mới đóng được con tàu này. Với chiều dài 23m, rộng 6,5m, cao 4m, đóng bằng gỗ và phủ một lớp composite dày, giá trị của con tàu lên đến 4 tỷ đồng. Đây có thể coi là tàu đánh cá lớn nhất tỉnh hiện nay. Nhưng so với nhiều tàu cá nước ngoài, tàu của ngư dân Việt Nam còn nhỏ lắm”.
Đánh giá về kỹ thuật bảo quản thủy sản, Thạc sĩ Phan Xuân Quang - Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang cho biết: “Đa số tàu đánh bắt xa bờ ở Khánh Hòa đều bảo quản hải sản bằng cách ướp đá lạnh có nilon, đá cây xay nhỏ có két nhựa hay làm hầm cách nhiệt bằng gỗ, xốp, chất dẻo hóa học... Những cách này tạo vi sinh vật có hại cho cá, dễ thẩm thấu, hủy hoại vật liệu cách nhiệt, nhanh ngậm mùi, thời gian bảo quản ngắn. Vì vậy, chất lượng hải sản giảm đáng kể nếu bảo quản, vận chuyển dài ngày. Hiện có nhiều phương pháp hiện đại hơn, giúp khắc phục các nhược điểm ở hầm truyền thống như: cách nhiệt dưới dạng bọt xốp Polyurethane (PU) mới, lót hầm bằng inox... Tuy nhiên, chi phí lại khá cao”.
Sẽ hỗ trợ ngư dân bám biển
Ông Vũ Văn Tám cho biết: Bộ đang hoàn thiện đề án tổ chức sản xuất hải sản, hiện đại hóa tàu thuyền và các phương thức khai thác, trước tiên thông qua việc điều tra nguồn lợi thủy sản. Từ đó, sẽ đưa ra các dự báo chính xác về trữ lượng cá, cách khai thác thích hợp, đầu tư phương tiện phục vụ nghề cá đúng trọng tâm. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ cho ngư dân. Bộ NN-PTNT cũng đưa ra 10 nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm an toàn đánh bắt hải sản trên biển, như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ ý nghĩa của các thiết bị an toàn, bảo hiểm tai nạn thuyền viên; tăng cường đăng ký, đăng kiểm tàu cá; phối hợp hiệu quả với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra, kiểm soát các phương tiện không đảm bảo an toàn hàng hải; tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra...
Cũng theo ông Vũ Văn Tám, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ hợp tác và vay vốn để đóng mới tàu cá... Hiện Bộ cũng đang thí điểm dự án đóng tàu câu cá ngừ hiện đại (đóng mới 30 tàu câu vỏ thép hoặc composite) tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Những tàu này có đủ phương tiện hiện đại như: máy thu, thả câu, hệ thống bảo quản bằng nước biển lạnh tuần hoàn, cấp đông, hệ thống thông tin liên lạc tầm xa… Nhà nước sẽ hỗ trợ ngư dân một lần tiền trị giá 16-20% giá trị tàu, hoặc hỗ trợ lãi suất vốn vay 70% giá trị con tàu trong 10 năm.
ĐOÀN HƯƠNG GIANG