Theo bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, việc triển khai mô hình sản xuất đậu phụng trái vụ là giải pháp giúp nông dân Vạn Ninh (Khánh Hòa) tăng năng suất và thu nhập.
Theo bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), việc triển khai mô hình sản xuất đậu phụng trái vụ là giải pháp giúp nông dân Vạn Ninh (Khánh Hòa) tăng năng suất và thu nhập.
Mô hình điểm
Mới đây, Chi cục BVTV và Trạm BVTV huyện Vạn Ninh phối hợp với các xã: Vạn Phú, Vạn Khánh tổ chức hội thảo đầu bờ về mô hình sản xuất cây đậu phụng trái vụ. Mô hình đã đem lại niềm lạc quan mới cho nông dân trồng đậu phụng tại đây. Tại mỗi xã, mô hình triển khai 1ha, sử dụng giống tốt (các giống LDH 1, 14), canh tác hợp lý, bón phân đầy đủ, cân đối... Kết quả mô hình mang lại rất khả quan, năng suất hơn hẳn cách làm truyền thống (sử dụng giống địa phương, năng suất thấp; không bón phân lân, vôi và phân chuồng...). Ông Võ Kim Châu - nông dân triển khai mô hình tại xã Vạn Phú cho biết: “Chúng tôi xuống giống vào tháng 6, thu hoạch vào tháng 9, đây là vụ trái so với vụ chính (vụ Đông Xuân). Trong quá trình canh tác, chúng tôi sử dụng giống xác nhận LDH 1, bón lân, vôi, phân hữu cơ vi sinh. Tuy là trái vụ nhưng sâu bệnh rất ít. Kết quả, năng suất đạt 32 tạ/ha, lợi nhuận tăng hơn 10 triệu đồng so với cách làm truyền thống”. Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Tân Phú, xã Vạn Phú) - người trồng đậu phụng lâu năm khẳng định: Trồng đậu phụng trái vụ năng suất đạt cao, ít sâu bệnh, chi phí thấp hơn so với vụ chính. Tuy củ có thể không to bằng vụ chính nhưng ít công chăm sóc.
Hội thảo đầu bờ về sản xuất đậu phụng trái vụ tại xã Vạn Phú. |
Theo ông Nguyễn Đình Cẩm - Trưởng Trạm BVTV Vạn Ninh, kết quả mô hình tại xã Vạn Khánh rất khả quan. Đậu phát triển tốt, năng suất ước đạt 40 tạ/ha (đậu tươi), cao hơn cách làm truyền thống 2 tạ/ha.
Định hướng phát triển
Năm 2003 - 2004, sản xuất đậu phụng tại huyện Vạn Ninh phát triển mạnh, diện tích lên tới hàng trăm hecta. Riêng tại xã Vạn Phú, diện tích đậu phụng và các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa lên tới 300ha. Tuy nhiên, đậu phụng là cây trồng tốn nhiều công khi thu hoạch, trong khi việc cơ giới hóa khâu này còn hạn chế. Mặt khác, vụ chính phải lấy đậu giống từ các tỉnh Tây Nguyên với giá cao nên nông dân chuyển sang dùng giống địa phương, năng suất thấp dẫn đến không có lãi. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ bấp bênh, các đơn vị xuất khẩu không tiêu thụ giống đậu địa phương đã làm cho việc canh tác bị bế tắc; diện tích đậu phụng giảm nghiêm trọng.
Nỗ lực khôi phục diện tích trồng đậu phụng, triển khai sản xuất trái vụ, chủ động cung cấp giống cho vụ chính là mong muốn của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. Theo ông Cẩm, khuyến khích nông dân trồng đậu phụng cũng như các cây trồng trên đất lúa là biện pháp chủ động trong sản xuất, hạn chế dịch bệnh, đồng thời tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Nông dân Vạn Ninh có tập quán sản xuất 3 vụ lúa/năm. Điều này làm suy kiệt độ màu mỡ của đất, làm dịch bệnh khó kiểm soát. Việc khuyến khích nông dân sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu, hay 2 vụ màu 1 vụ lúa, trong đó chủ động trồng đậu phụng trái vụ không nằm ngoài mục tiêu đó.
Bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho rằng, hiện nay, huyện Vạn Ninh độc canh cây lúa, diện tích cây trồng chuyển đổi trên đất lúa sa sút nghiêm trọng. Những khó khăn về giống, thị trường, công lao động đã làm nghề trồng đậu phụng lâm vào khó khăn. Nông dân có tập quán sử dụng giống đậu địa phương (đậu sẻ) nên năng suất thấp, khó tiêu thụ. Việc triển khai mô hình sản xuất đậu phụng trái vụ là giải pháp giúp nông dân tăng năng suất và thu nhập. Chi cục sẽ giới thiệu và hỗ trợ cho nông dân đầu ra.
Q.V