11:10, 15/10/2012

Cần nhanh chóng chuyển đổi

Theo Chỉ thị 15 ngày 27-8-2012 của UBND tỉnh Khánh Hòa về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần khẩn trương chuyển đổi để tiếp tục hoạt động sản xuất, gia công, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Theo Chỉ thị 15 ngày 27-8-2012 của UBND tỉnh Khánh Hòa về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn, các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh (HKD) cần khẩn trương chuyển đổi để tiếp tục hoạt động sản xuất, gia công, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Việc đăng ký sớm sẽ giúp DN giữ được tên giao dịch truyền thống.

Băn khoăn trước ngày chuyển đổi

Theo quy định, không chỉ kinh doanh vàng miếng phải xin phép, các tiệm vàng muốn sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cũng phải có giấy phép từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của NHNN về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố và khối lượng sản phẩm đã công bố do DN sản xuất hoặc thuê gia công. Với những quy định chặt chẽ trên, thời gian tới, các tiệm vàng nhỏ lẻ (có 1-2 thợ gia công vàng, chuyên nhận gia công, thực hiện nhu cầu đổi vàng nữ trang cũ để mua lại vàng nữ trang mới) nếu muốn được sản xuất, gia công vàng nữ trang phải tính đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng vàng nữ trang. Từ sau ngày 25-5-2013, các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn nếu không đăng ký kinh doanh (ĐKKD) lại với Sở Kế hoạch và Đầu tư, không đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ không được phép thực hiện kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

 Các hộ kinh doanh vàng cần nhanh chóng đăng ký lại để giảm nguy cơ mất tên giao dịch truyền thống.

Các hộ kinh doanh vàng cần nhanh chóng đăng ký lại để giảm nguy cơ mất tên giao dịch truyền thống.

Ông Võ Tân - chủ tiệm vàng Tân Nữ trên đường Ngô Gia Tự, Nha Trang băn khoăn: “Quy mô tiệm vàng của tôi không lớn, chỉ mua bán nhỏ lẻ, làm theo kiểu gia đình. Nếu chuyển từ HKD lên DN, chúng tôi phải mở hồ sơ, sổ sách kế toán với rất nhiều quy định phức tạp; vì vậy, tôi thấy rất lo lắng”. Một số HKD vàng ở các địa phương như Ninh Hòa, Diên Khánh lại lo lắng: “Với những quy định như hiện nay, chúng tôi gần như không có đủ điều kiện để sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong khi đó, đây là nghề cha truyền con nối, làm ăn của gia đình từ trước đến nay”.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Lịch - chủ DN Tư nhân kinh doanh vàng Thanh Lịch Nha Trang: “Qua theo dõi và nghiên cứu về Nghị định 24, chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Tôi chỉ mong sao Nhà nước tạo điều kiện cho đại lý vùng sâu vùng xa để người dân có nơi giao dịch, nếu đi bán một chỉ vàng mà ở huyện phải chạy lên tỉnh thì khó cho người dân...”.

Cần nhanh chóng chuyển đổi

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 42 DN đăng ký hoạt động kinh doanh vàng và 208 HKD vàng. Trong đó, nhiều DN không còn sản xuất vàng nữ trang mà chỉ nhận hàng từ các công ty lớn về bán lại. Tuy nhiên thực tế, trong hoạt động kinh doanh vàng nữ trang trên thị trường tự do từ trước đến nay, các tiệm vàng vẫn kiếm lợi nhuận lớn nhờ vào việc gia công, sản xuất vàng nữ trang, bởi hoạt động này có thể lập lờ tuổi vàng. Khi mua vàng nữ trang, người dân vẫn thường phải chịu cảnh “mua đắt bán rẻ”, vì các tiệm vàng luôn tìm mọi cách ép giá với các lý do: trọng lượng hao hụt, không đủ tuổi, móp méo…

Theo ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa: “Tinh thần của Nghị định 24 là thu hẹp lại mạng lưới sản xuất vàng nữ trang nhỏ lẻ. Trước đây, do quản lý chưa chặt chẽ nên ai cũng có thể làm vàng thủ công mỹ nghệ. Điều này dẫn đến nhiều bất cập về tuổi vàng, chất lượng vàng, giá bán… NHNN thực hiện quản lý chặt chẽ hơn hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ là cần thiết, không chỉ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tránh tình trạng các tiệm vàng nhỏ mọc lên nhiều trong khi chưa có được sự bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động. Mặt khác, việc yêu cầu các DN phải đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên sản phẩm và công bố tiêu chuẩn áp dụng sẽ góp phần kiểm soát chất lượng, hạn chế tình trạng gian lận tuổi vàng”.

Hiện nay, thời gian chuyển tiếp của các DN, HKD còn khá rộng. Tuy nhiên, có một điều các DN, HKD vàng cần lưu ý: Việc ĐKKD sớm là cần thiết để giúp giữ lại được tên giao dịch truyền thống của mình, vì ĐKKD từ hộ lên DN phải đăng ký tên. Việc đăng ký tên đều thể hiện trên hệ thống ĐKKD quốc gia, nếu trùng lắp tên của một DN nào đó trong cả nước thì không được chấp nhận. Do đó, DN, HKD không đăng ký sớm sẽ dễ mất thương hiệu truyền thống của mình, buộc phải thay đổi tên khác.

BÍCH KHUÊ

Theo Chỉ thị 15 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai thực hiện Nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn: Các DN được tiếp tục kinh doanh phải hoàn tất thủ tục ĐKKD lại với cơ quan ĐKKD; hoàn tất thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng với NHNN Việt Nam trước ngày 10-1-2013. DN đang hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện ĐKKD lại, hoàn tất thủ tục trước ngày 25-5-2013. Sau ngày này, các tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn không thực hiện ĐKKD lại với Sở Kế hoạch và Đầu tư, không đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ không được hoạt động.