Hiện nay, lãi suất không còn là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp (DN), điều đáng chú ý là lượng hàng tồn kho cao, thị trường khó khăn. Vì vậy, DN đang tập trung tìm cách giải quyết đầu ra.
Hiện nay, lãi suất không còn là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp (DN), điều đáng chú ý là lượng hàng tồn kho cao, thị trường khó khăn. Vì vậy, DN đang tập trung tìm cách giải quyết đầu ra.
Không còn khó khăn trong vay vốn
Thời gian qua, để giúp đỡ DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã cùng với DN tìm nhiều giải pháp, nhất là việc tổ chức các hội nghị đối thoại với DN trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, DN có vốn đầu tư nước ngoài, giữa DN với ngân hàng... Qua đó, nhiều DN đã tháo gỡ được một phần khó khăn trong hoạt động của mình, nhất là vốn. Qua trao đổi với nhiều DN trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được biết, hiện nay, các DN không gặp nhiều khó khăn về vốn. Việc tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất thấp từ ngân hàng cũng dễ dàng hơn. Ông Đỗ Hữu Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cho biết: “Trước đây, DN tiếp cận vốn từ ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là lãi suất cao. Hiện nay, do lãi suất đã giảm nên khó khăn về vốn của DN cũng “hạ nhiệt”. Công ty chúng tôi đang được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Khánh Hòa tạo điều kiện về khoản vay 10 tỷ đồng để đầu tư xây dựng một nhà máy mới tại tỉnh Ninh Thuận”. Còn ông Lương Thế Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang bày tỏ: “Hiện nay, lãi suất không còn là vấn đề lớn, việc tiếp cận vốn của Công ty với ngân hàng cũng rất thuận lợi. Nhiều khoản vay cũ của Công ty đã được phía ngân hàng đưa về mức 15%/năm. Cụ thể như khoản vay hơn 30 tỷ đồng để Công ty đầu tư nhà máy tại Cụm công nghiệp Đắc Lộc đã được Ngân hàng BIDV đưa về lãi suất 14,2%/năm”.
Sản xuất cà phê tại Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang. |
Để hỗ trợ DN, một số ngân hàng đã giảm sâu lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên (chỉ còn 9 - 12%/năm), đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm khuyến khích khách hàng vay vốn. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng điều chỉnh lãi suất ở các khoản cho vay cũ và mới về mức tối đa là 15%/năm. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, trong 8 tháng năm 2012, nguồn vốn huy động tại các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt gần 27.600 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay mới đạt 20.450 tỷ đồng, tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 4, doanh số cho vay ở các DN đã liên tục giảm từ mức hơn 3.000 tỷ đồng/tháng (trước đây) còn khoảng 2.300 tỷ đồng/tháng (hiện nay). Vốn không thiếu, lãi suất đã giảm sâu, thế nhưng vẫn không có nhiều DN vay vốn. Rõ ràng, hiện nay, hiệu quả sử dụng vốn và bài toán giải quyết hàng tồn kho mới là vấn đề chính của DN.
Tìm hướng giải quyết hàng tồn kho
Trong khi chờ những dấu hiệu tích cực của thị trường, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động tìm kiếm giải pháp nhằm giải quyết hàng tồn kho. Tại Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, do lượng hàng tồn kho nguyên liệu và thành phẩm lớn nên Công ty buộc phải chấp nhận giảm lợi nhuận, hạ giá thành; phát triển thêm thị trường mới, nhất là thị trường nông thôn, miền núi. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, doanh thu của Công ty cũng chỉ đạt 54 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm, chỉ bán được 2 triệu lít nước mắm bán thành phẩm, 2,5 triệu chai nước mắm thành phẩm. Ông Đỗ Hữu Việt cho rằng: “Sức mua yếu đã khiến cho hàng tồn kho cao. Đây là vấn đề bức bối hiện nay của các DN. DN rất cần các giải pháp kích thích tiêu dùng, kích thích thị trường”.
Tại Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang, giá cả đầu vào tăng khoảng 15 - 20%, trong khi đó, sức mua lại giảm mạnh nên DN không thể tăng giá. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Từ đầu năm đến nay, Công ty mới tiêu thụ khoảng 3.000 tấn cà phê các loại. Hiện nay, Công ty đang đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết khó khăn về đầu ra sản phẩm như: phát triển các kênh phân phối mới, khuyến mãi dưới nhiều hình thức, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng, cắt giảm các chi phí khác...
Công ty Liên doanh Khai thác đá Hòn Thị cũng gặp nhiều khó khăn khi sản phẩm đá xây dựng có sức tiêu thụ chậm, giảm 50% so với năm 2011. Hiện nay, mỗi tháng, Công ty chỉ tiêu thụ được khoảng 15.000 - 18.000m3 đá các loại. Đứng trước tình hình này, Công ty đang tiếp tục tìm kiếm thị trường, tiết giảm các chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để đẩy nhanh việc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty, trước những khó khăn của thị trường vật liệu xây dựng như hiện nay, rất khó để giải bài toán hàng tồn kho.
Nhiều DN cho rằng, hiện nay, sức mua yếu, sản phẩm không tiêu thụ được đã khiến cho sản xuất kinh doanh gặp bế tắc. Trong tình hình này, dù ngân hàng có mở rộng cửa thì DN cũng không dám vay, bởi lo ngại vốn sẽ bị chôn trong hàng tồn kho.
BÍCH LA
Theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa Khánh Hòa, trong số 7.000 DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã có 5,2% DN phải đóng cửa, hơn 70% DN rơi vào tình trạng sản xuất kém hoặc không đủ vốn để duy trì hoạt động sản xuất; chỉ có khoảng 15% DN có cơ hội vượt qua khủng hoảng. Ngoài chính sách miễn, giảm thuế, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, lãi suất…, các giải pháp kích thích thị trường sẽ tạo nên những hiệu ứng tích cực cho DN trong sản xuất kinh doanh.