09:10, 17/10/2012

Băn khoăn sản phẩm làng nghề

Nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu, vốn và đầu ra của sản phẩm. Nếu không sớm có giải pháp cho nghề truyền thống phát triển thì tương lai không xa, các làng nghề sẽ không còn sản phẩm truyền thống.

Nghề truyền thống (NTT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu, vốn và đầu ra của sản phẩm. Nếu không sớm có giải pháp cho NTT phát triển thì tương lai không xa, các làng nghề sẽ không còn sản phẩm truyền thống.

Thực trạng các làng nghề

Những năm qua, công tác đầu tư phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, NTT ở khu vực nông thôn có sự chuyển biến tích cực. Nhiều nghề được khôi phục và phát triển mạnh như: mây tre đan, đóng tàu, cơ khí nhỏ, thêu ren, chế biến nông sản, thực phẩm, nuôi trồng sinh vật cảnh, dệt may, gỗ thủ công mỹ nghệ... đã đáp ứng một phần nhu cầu thị trường trong nước, nhiều sản phẩm được xuất khẩu. Sự biến đổi đó đã góp phần đem lại bộ mặt mới cho khu vực nông thôn, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, một số NTT đã dần khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội địa phương, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 40 NTT, giải quyết việc làm cho khoảng 30% lao động khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và phát triển, đa số các sản phẩm NTT đang gặp sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng khác. Do một số NTT đang gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu, vốn và đầu ra của sản phẩm nên phát triển cầm chừng, thậm chí một số nghề đang lâm vào nguy cơ mai một.

Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Vĩnh Phước (Ninh Hòa) - đơn vị có hoạt động nghề truyền thống khá hiệu quả.

Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Vĩnh Phước (Ninh Hòa) - đơn vị có hoạt động nghề truyền thống khá hiệu quả.

Trên thực tế, nguyên vật liệu cho các làng nghề ở Khánh Hòa như: đóng tàu, dệt chiếu, làm nón, mây tre lá, thủ công mỹ nghệ... chủ yếu được cung ứng tại chỗ. Tuy nhiên, do khai thác quá mức, không có kế hoạch khôi phục nên nguồn nguyên liệu phục vụ các NTT đang dần bị cạn kiệt. Mặt khác, do công nghệ còn lạc hậu, cơ khí hóa thấp, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nên các sản phẩm làm ra chưa được tinh xảo. Trình độ công nghệ thủ công, bán cơ khí vẫn chiếm tỷ lệ hơn 60% ở các làng nghề. Hiện nay, việc đầu tư phát triển nghề, làng nghề trong tỉnh vẫn mang tính tự phát, gần 80% các cơ sở làng nghề không đủ vốn để đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất...

Cần một hướng đi

Ông Đinh Công Thuận - Phụ trách Phòng Kinh tế hợp tác Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Các NTT ở nông thôn Khánh Hòa phần lớn mang tính tự phát theo kiểu nhỏ lẻ, tự sản xuất và tiêu thụ; sản phẩm phần lớn thô sơ, chưa có nét đặc sắc riêng. Bên cạnh việc chưa tạo được thương hiệu, thị trường nhỏ hẹp cũng làm các sản phẩm của NTT chưa có sức tiêu thụ vững chắc. Hầu hết các hoạt động sản xuất NTT đều theo quy mô hộ gia đình, như là nghề phụ nhằm bổ sung thu nhập nên ít quan tâm đầu tư phát triển. Một thực tế khác, các cơ quan chức năng gần như chưa có sự hỗ trợ hiệu quả trong việc tìm kiếm thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh của NTT. Thời gian qua, tuy chính sách hỗ trợ phát triển làng NTT của Chính phủ cũng như của tỉnh đã được ban hành nhưng trên thực tế, các hộ, cơ sở NTT còn khó khăn trong việc tiếp cận những chính sách này, đặc biệt là nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển của tỉnh. Mặt khác, vốn đầu tư cho công tác khuyến công chủ yếu tập trung vào việc tham quan học tập và đào tạo nghề, chưa đầu tư nhiều vào việc cải tiến, chuyển giao công nghệ. Đây cũng là nguyên nhân trên địa bàn tỉnh chưa có làng NTT nào được công nhận”.

Theo ông Lê Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh: Để nghề và làng NTT phát huy thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội, những sản phẩm nghề phải mang nét văn hóa độc đáo riêng của từng địa phương. Các làng có nghề phải sắp xếp lại sản xuất kinh doanh ở từng hộ, tổ sản xuất để nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường. Đầu tư phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, NTT cần gắn với hoạt động văn hóa, du lịch, tính truyền thống và thế mạnh về nguyên liệu của từng vùng để làm hạt nhân cho phát triển ngành nghề. Qua đó cần phân nhóm sản phẩm ngành nghề theo 3 tiêu chí: tính truyền thống, đối tượng phục vụ và khả năng xuất khẩu để tạo hướng phát triển phù hợp. Mặt khác, cần có giải pháp tích cực về thị trường tiêu thụ để tìm đầu ra cho sản phẩm; tạo điều kiện cho các cơ sở NTT thu mua nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường trong nước và thế giới bằng cách ưu tiên quảng cáo, triển lãm, triển khai và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, cung cấp các thông tin về thị trường, tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm...

Với tiềm năng của các làng NTT hiện nay, nếu có sự đầu tư đúng hướng, có những chính sách phù hợp thì sẽ giúp các làng nghề đứng vững, tạo những điểm nhấn đặc sắc cho các địa phương.

ANH TUẤN

Ông Lê Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa: Hiện nay, các nghề tiểu thủ công nghiệp, NTT trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Nguyên nhân cơ bản của các tồn tại một mặt do tác động của kinh tế thị trường, mặt khác do chúng ta chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể về việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề của tỉnh. Tuy nhiên, điều cốt lõi là do các mặt hàng của NTT thiếu tính sáng tạo, đa số các sản phẩm làm theo mẫu mã có từ hàng chục, hàng trăm năm nay nên nhàm chán, không thu hút khách hàng. Đối với các sản phẩm xuất khẩu, phần lớn chỉ dừng lại ở việc gia công theo mẫu có sẵn của đối tác hoặc làm “nhái” mẫu nước ngoài.