11:09, 09/09/2012

Đồng bào dân tộc thiểu số học cách làm ăn mới

Là một trong 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), Sơn Lâm có điều kiện thuận lợi là nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số khá hơn nhờ được học hỏi cách làm mới từ số lượng lớn người Kinh ở đây.

Là một trong 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), Sơn Lâm có điều kiện thuận lợi là nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) khá hơn nhờ được học hỏi cách làm mới từ số lượng lớn người Kinh ở đây.

. Thành quả bước đầu

Theo ông Mấu Thanh Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã, đến thời điểm này, xã mới đạt 6/19 tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM gồm: điện, bưu điện, đường giao thông, chợ, hệ thống chính trị, an ninh trật tự. Thời gian qua, xã nhận được sự hỗ trợ tích cực của huyện và tỉnh trong đầu tư xây dựng các công trình NTM. Năm 2010 - 2011, xã được đầu tư 4,5 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn. Năm 2012, được đầu tư 550 triệu đồng xây dựng tuyến đường liên thôn dài 540m và đường từ thôn Cam Khánh đi Du Oai dài 1km; xây chợ xã trị giá 500 triệu đồng; xây nhà văn hóa và sân vận động: 500 triệu đồng. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng của xã đã cơ bản ổn định. Mạng lưới trường học được đầu tư nâng cấp ở cả 3 cấp: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) nhưng hiện mới có trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Các trường THCS, mầm non dự kiến đạt chuẩn trong năm tới.

Ông Võ Việt Hùng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, Sơn Lâm có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đặc biệt là sản xuất cây công nghiệp. Trên địa bàn xã hiện có 200ha sầu riêng, 170ha cà phê, 600ha cây hàng năm, trong đó diện tích lúa nước 7,5ha (2 vụ)... Nhiều người dân đã đầu tư đưa nước từ suối về tưới cho vườn cà phê, sầu riêng. Trên địa bàn hiện mới có 1 trang trại sầu riêng 10ha của ông Đặng Tài Bảy. Đây là một trong những trang trại đầu tiên ở Khánh Sơn xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng.

 Cà phê là một trong những cây trồng mang lại kinh tế ổn định cho người dân Sơn Lâm.

 Cà phê là một trong những cây trồng mang lại kinh tế ổn định cho người dân Sơn Lâm.

Khó khăn hiện nay của Sơn Lâm là nước sạch. Tuy không thiếu nguồn nước sạch do có nhiều suối, nhưng hệ thống cấp nước được đầu tư lâu ngày đã xuống cấp, cung cấp nước không ổn định. Mùa khô hạn, hệ thống nước tự chảy tê liệt. Hiện chỉ còn một hệ thống nước sạch lấy từ suối qua lọc thô nhưng chỉ đủ cung cấp cho 250 - 300 hộ dân (trong tổng số 717 hộ), còn lại bà con phải dùng nước suối trực tiếp.

Học hỏi những cách làm hay

Tuy tiềm năng của Sơn Lâm không hơn các xã khác, nhưng lại có số hộ người Kinh khá cao. Đây là nhân tố quan trọng để giúp hướng dẫn ĐBDTTS vươn lên, làm ăn hiệu quả. Theo nhận định của ông Nguyễn Trọng Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, do số người Kinh ở xã Sơn Lâm tương đối đông nên cách thức làm ăn hiệu quả của họ cũng được chuyển giao cho ĐBDTTS. Huyện đang xúc tiến thành lập các tổ liên kết thủ công mỹ nghệ mây tre lá, kinh doanh sầu riêng, làm bước đệm phát triển kinh tế trên địa bàn.

Ông Cao Văn Trường, người dân tộc Raglai tại thôn Du Oai chia sẻ, học tập cách làm ăn của người Kinh, ông đã kéo nước từ khe suối Ra Lúc (thôn Du Oai) về tưới cho vườn cà phê, sầu riêng của gia đình, cho thu nhập mỗi năm không dưới 50 triệu đồng. Hiện vườn của ông có 45 cây sầu riêng, 1.000 cây cà phê (1ha), 20 cây chôm chôm, 2ha chuối, 2ha bắp. Ông Cao Thế Duyệt (thôn Du Oai) cũng học từ người Kinh cách làm mới. Ông cho hay: “Cách phát triển kinh tế hộ là học hỏi từ người Kinh. Không chỉ cách thức làm ăn, ngay cả việc chi tiêu, tiết kiệm cũng nhờ bà con người Kinh chỉ vẽ”. Vườn nhà ông Duyệt hiện có 40 cây sầu riêng, 40 cây chôm chôm, 1ha cà phê, 4ha chuối, mỗi năm đem lại nguồn lợi tương đương 50 - 60 triệu đồng. Tuy thôn Du Oai có nhiều ĐBDTTS nhưng kinh tế vẫn phát triển. Cả thôn có hơn 100 hộ biết trồng cà phê, áp dụng cách bơm tưới, ngăn dòng.

Theo ông Võ Việt Hùng, thời gian tới, xã sẽ tập trung vào các giải pháp thực hiện tốt các tiêu chí NTM, hàng năm tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn; lấy tuyên truyền, vận động là chính nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là ĐBDTTS, kết hợp hỗ trợ nguồn vốn cho đồng bào, chuyển giao khoa học kỹ thuật... Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng đầu tư các công trình NTM. Về phát triển sản xuất, tăng thu nhập kinh tế hộ, xã vận dụng định hướng phát triển chung của huyện; thực hiện đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện.

Q.V