10:09, 21/09/2012

Cần đa dạng dưới nhiều hình thức

Do điều kiện địa lý phức tạp, thu nhập của người dân còn thấp, phụ thuộc vào mùa vụ nên thương mại miền núi khó phát triển, nặng tính bao cấp. Phát triển thương mại miền núi cần đa dạng dưới nhiều hình thức.

Do điều kiện địa lý phức tạp, thu nhập của người dân còn thấp, phụ thuộc vào mùa vụ nên thương mại miền núi khó phát triển, nặng tính bao cấp. Phát triển thương mại miền núi cần đa dạng dưới nhiều hình thức.

“Chợ” di động

Cung cấp lương thực, thực phẩm tận nhà, đổi lấy nông sản đưa về xuôi là cách làm hiệu quả của các tư thương trên địa bàn miền núi trong nhiều năm qua. Một trong số đó là chị Phạm Thị Phương, một tư thương ở Cam Ranh gắn bó với việc mua bán tại huyện miền núi Khánh Sơn gần 20 năm nay,. Sáng sớm hàng ngày, chị gom hàng tại chợ, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá, rau, nhu yếu phẩm, đồ ăn sáng rồi vượt hàng chục cây số đem lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân Khánh Sơn bằng chiếc xe máy cà tàng. Cách làm này đã giúp chị nuôi được 4 đứa con ăn học. Trên đường trở về, chiếc xe của chị tiếp tục “cõng” thêm hàng trăm kg nông sản tiêu thụ cho đồng bào miền núi. Mới đây, con gái chị là Huỳnh Phương Thảo, tốt nghiệp kế toán nhưng chưa tìm được việc làm, cũng theo nghiệp mẹ.

Một chợ tự phát của người dân tại xã Sơn Trung
Một chợ tự phát của người dân tại xã Sơn Trung

Ông Nguyễn Lợi, bảo vệ Công ty Cầu đường 71 cho biết: “Nhờ những người như chị Phương nên tuy không đi chợ nhưng chúng tôi vẫn có được những bữa ăn tươi; bằng không việc ăn uống của những người thợ cầu sẽ rất vất vả vì đường đến chợ rất xa. Tôi thấy họ phục vụ rất tốt, giá mềm”...

Nhiều người gọi vui cánh tư thương miền núi là những người bán hàng di động. Vai trò của họ rất quan trọng, góp phần cung cấp nhu yếu phẩm, vật dụng hàng ngày cho bà con, đồng thời đổi lấy hàng hóa, tiêu thụ nông sản cho đồng bào miền núi. Tuy nhiên, cách làm này cũng có hạn chế, đó là bà con dễ bị tư thương ép giá khi mua nông sản trở lại; mặc khác, việc tư thương chở hàng cồng kềnh làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông.

Xây dựng chợ: cần được nghiên cứu kỹ lưỡng

Ông Nguyễn Bá Giá - Giám đốc Trung tâm Thương mại Khánh Sơn cho biết, trên địa bàn huyện hiện nay có 7 cửa hàng trực thuộc Trung tâm, cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đồng bào miền núi, đặc biệt là các mặt hàng trợ giá, trợ cước như: gạo, dầu hỏa... Tuy hoạt động của Trung tâm còn nhiều khó khăn do thu nhập, tập quán mua bán của đồng bào miền núi còn hạn chế nhưng vai trò của các cửa hàng thương mại rất quan trọng, đặc biệt là trong các thời điểm khó khăn, bão lũ. Còn nhớ năm 2010, nước lũ chia cắt các địa bàn dân cư, nhờ sự cung cấp ổn định của các cửa hàng tại chỗ, đồng bào đã thoát khỏi sự thiếu thốn về lương thực, thực phẩm.

Hiện nay, ở miền núi không có nhiều chợ; nhiều nơi chợ chưa phát huy tác dụng. Ở một số địa phương có chợ nhưng là chợ chung của một vài xã bởi sức tiêu thụ hàng hóa của người dân còn hạn chế. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, yêu cầu đặt ra là xã nông thôn mới phải có chợ. Tuy nhiên, quy định này không thực sự phù hợp. Bởi việc xây dựng chợ rất tốn kém (hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng) nhưng chưa chắc đã phát huy tác dụng. Vấn đề xây dựng chợ tại địa bàn miền núi cũng như vùng nông thôn cần dựa trên nhu cầu tiêu thụ, quy mô trao đổi của dân cư trong khu vực. Có thể vài ba xã xây dựng một ngôi chợ làm nơi giao lưu, tiêu thụ, trao đổi hàng hóa. Trước khi xây dựng chợ cần điều tra, khảo sát cụ thể, xem việc này có đáp ứng được nhu cầu đời sống, tránh sự lãng phí không cần thiết bởi thời gian qua có nhiều chợ xây xong, tốn tiền tỷ rồi lại bỏ hoang.

1
Một tư thương đang bán hàng cho người dân trên tuyến Tỉnh lộ 9 (Khánh Sơn)

Ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới cho biết, hiện nay, việc giao lưu, trao đổi hàng hóa tại miền núi còn nhiều hạn chế. Tập quán của bà con chủ yếu là hàng đổi hàng nên có nhiều hình thức trao đổi khác miền xuôi. Mặt khác, thu nhập của bà con phụ thuộc mùa vụ nên việc phát triển kiểu như ngân hàng gạo, dầu hỏa, nhu yếu phẩm đối với miền núi cần được nghiên cứu. Do đó, cần có những kênh đối trọng để tránh tư thương ép giá.

Phát triển thương mại miền núi có những đặc thù cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Thực tế cho thấy thời gian qua, hoạt động của tư thương cũng như các cửa hàng thương mại miền núi rất quan trọng. Việc xây dựng chợ ở miền núi cần được xem xét phù hợp với thực tế. Không nên xây dựng chợ tràn lan, xã nào cũng có sẽ lãng phí và kém hiệu quả.

H.A