Việt
Trước khi có hiệp định, các doanh nghiệp vận tải chỉ được phép chạy sâu tối đa 20 km vào trong lãnh thổ của quốc gia láng giềng. |
Việt
Theo bản thỏa thuận được hai bên ký ngày 22-8, lần đầu tiên, các xe khách và xe tải sẽ có thể chạy qua biên giới Việt - Trung trên một cung đường dài 1.300 km từ Hà Nội đến Thâm Quyến.
Hiệp định mới sẽ nới lỏng những hạn chế đối với xe tải và xe khách chạy trên tuyến nối các vùng kinh tế chính của tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và 6 tỉnh của Việt Nam, bao gồm cả Lạng Sơn và Quảng Ninh, và hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng.
Trước khi có hiệp định, các doanh nghiệp vận tải chỉ được phép chạy sâu tối đa 20 km vào trong lãnh thổ của quốc gia láng giềng. Bắt đầu từ tháng 8-2012, mỗi nước sẽ có thể cấp tối đa 15.100 giấy phép cho xe tải và xe khách lưu thông trong các tỉnh biên giới và tối đa 500 giấy phép cho xe tải và xe khách chạy vào các tỉnh nội địa.
Cùng được điều chỉnh bởi hiệp định này, một tuyến đường quan trọng khác nối Côn Minh với Hà Nội và Hải Phòng cũng đã tổ chức lễ công bố triển khai tại Côn Minh vào ngày 16-8 vừa qua.
Năm 2011, khối lượng vận tải bằng đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc thông qua cửa khẩu Hữu Nghị lên đến 1 triệu tấn hàng hóa và khoảng 726.000 khách đi qua biên giới hai nước. Khối lượng vận tải dự kiến sẽ tăng khi hiệp định vận tải đường bộ mới được thực hiện. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, số lượng giấy phép của năm 2013 sẽ được tăng lên tương ứng.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các hiệp định vận tải song phương giữa các nước thành viên Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) là những "viên gạch nền tảng" cho một hiệp định toàn diện về thương mại qua biên giới (gọi tắt là CBTA), với mục tiêu dỡ bỏ các trở ngại đối với thương mại và phát triển của khu vực.
Được gắn kết bởi dòng sông Mê Kông, các nước thành viên GMS có tổng diện tích tương đương khu vực Tây Âu và có tổng dân số lớn hơn dân số Mỹ.
Theo VnEconomy